Ngày giải phóng mặt bằng để mở rộng đường trục chính qua khu dân cư, bà con nhân dân thôn Cây Khế tập trung đông đủ, không khí chẳng khác nào ngày hội. Một số hội viên CCB, gia đình cán bộ, đảng viên không những tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường mà còn huy động con cháu tranh thủ ra phụ giúp công việc cho thôn. Ông Đào Xuân Bốn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cây Khế cùng các đồng chí lãnh đạo có mặt ngoài công trường từ sớm, vừa tích cực đôn đốc các bộ phận, vừa kiểm tra tỉ mỉ các nội dung công việc.
|
Thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu 2 trao quà tặng cựu chiến binh Đào Xuân Bốn (ngoài cùng, bên trái) tại chương trình tham quan mô hình "Dân vận khéo" tại tỉnh Tuyên Quang, năm 2019. |
Ngay sau lễ khởi công, Bí thư chi bộ Đào Xuân Bốn trực tiếp dẫn người lái máy xúc đến cổng nhà mình, trước sự chứng kiến của đông đảo bà con, ông dõng dạc: “Hãy phá cổng và tường rào nhà tôi trước”. Trong phút chốc, chiếc cổng của gia đình người đứng đầu thôn vừa được xây dựng, ốp đá hoa cương bóng loáng, cùng hệ thống tường bao quanh kiên cố, vững chắc, trị giá hàng chục triệu đồng bị chiếc máy xúc san phẳng. Hình ảnh ấy giúp khai thông tư tưởng, tâm lý cho nhiều người vốn còn chút đắn đo, suy nghĩ... “Mình là cán bộ, đảng viên, phải gương mẫu làm trước, có như thế, khi tuyên truyền, vận động, người dân mới đồng lòng, nhất trí”, CCB Đào Xuân Bốn bộc bạch với chúng tôi như vậy.
Trước đây, đường trục chính chạy qua thôn Cây Khế là đường đất, chật hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho xe máy di chuyển, mặt đường lầy lội vào mùa mưa khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, CCB Đào Xuân Bốn và các đồng chí lãnh đạo thôn nhiều đêm trăn trở, bàn bạc đến nát nước để tìm kiếm sự đồng thuận trong nhân dân về việc mở rộng đường trục chính qua thôn. “Đây là công việc hết sức hệ trọng, bởi nó đụng chạm đến đất đai, nhà ở, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu của rất nhiều hộ dân, trong khi không có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước về bồi thường đền bù. Vì vậy, quá trình tuyên truyền, vận động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có người cho rằng mấy chục năm nay, vẫn con đường đó, người dân vẫn làm ăn, sinh sống bình thường, có gì ảnh hưởng đâu. Người khác lại bảo, dù sao đây cũng chỉ là đường liên thôn, cần gì phải mở rộng, vừa không được bồi thường, hỗ trợ gì, vừa gây xáo trộn cuộc sống của bà con. Đấy là chưa kể đời sống của nhiều hộ trong thôn còn rất khó khăn…”, CCB Phạm Xuân Khải, một trong những thành viên tổ vận động làm đường kể lại.
|
Cựu chiến binh Đào Xuân Bốn (thứ tư, từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan mô hình “Dân vận khéo” tại tỉnh Tuyên Quang, năm 2019. |
Trước tình hình đó, suốt thời gian dài, CCB Đào Xuân Bốn và các đồng chí cán bộ thôn không quản ngại khó khăn, kiên trì đến từng gia đình tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm đường; kịp thời nắm bắt tư tưởng, giải quyết vướng mắc cho bà con. Đến một lần không có kết quả, tiếp tục đến lần thứ hai, thứ ba, thứ tư… Bằng lời hay, ý phải, ông phân tích cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc mở rộng đường: Giúp giao thông an toàn hơn, chấm dứt cảnh mưa lầy lội, nhếch nhác, nắng bụi bặm, ô nhiễm; nhất là tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh giao thương với các địa phương, làm cho bộ mặt nông thôn quê mình ngày thêm khởi sắc, con cháu mình được sung sướng…
Mặc dù thấy được tiện ích của việc mở rộng đường giao thông, nhưng nhiều gia đình vẫn băn khoăn, do dự, bởi tiếc đất mặt đường, tiếc đất sản xuất, đặc biệt là nguồn lợi thu được từ vườn cây ăn quả, cây lâu năm. Để nhân dân đồng tình ủng hộ, gia đình CCB Đào Xuân Bốn gương mẫu, tiên phong hiến 120m2 đất thổ cư, 130m2 đất sản xuất, cùng toàn bộ cây cối lâu năm, vật kiến trúc, tường bao quanh để làm đường. Ông cũng vận động anh em, con cháu trong dòng họ tham gia hiến đất, tháo dỡ toàn bộ công trình liên quan cho nhân dân làm theo.
Từ sự gương mẫu của CCB Đào Xuân Bốn và các đồng chí đảng viên trong chi bộ, nhiều hộ trong thôn Cây Khế không những tự nguyện hiến đất mà còn chủ động tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng, phục vụ việc mở đường. Trong đó có những hộ phải dỡ toàn bộ và xây lại nhà như gia đình CCB Phạm Xuân Khải, CCB Trần Văn Định, hoặc trường hợp gia đình bà Hoàng Thị Hường, con đường đi qua chính giữa vườn nhà… mà không một ai trong số họ đòi hỏi gì từ địa phương. Kết quả của cuộc vận động này có 17 gia đình tự nguyện hiến đất thổ cư, 40 gia đình hiến đất sản xuất với tổng diện tích hơn 6.000m2; tháo dỡ hai nhà cấp 4, hàng trăm mét tường rào, cổng, cây cối, hoa màu… trị giá hơn 2 tỷ đồng, giúp cho kế hoạch mở rộng đường trục chính qua thôn diễn ra thuận lợi. Chỉ trong thời gian ngắn, với sự hỗ trợ của TP Tuyên Quang, con đường bê tông cứng cáp, rộng 12,5m, thẳng như kẻ chỉ, có đường điện chiếu sáng, trồng hoa hai bên, chạy qua thôn Cây Khế được hoàn thành, trở thành con đường kiểu mẫu, bài học kinh nghiệm tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có sức lan tỏa trong cả tỉnh Tuyên Quang.
Ngay khi con đường “trong mơ” của người dân nơi đây hoàn thành, CCB Đào Xuân Bốn lại cùng lãnh đạo thôn vận động các hộ gia đình nằm sát nhà văn hóa ủng hộ một phần quỹ đất; kêu gọi các hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa thôn. Một mặt vừa phát huy nội lực, một mặt tranh thủ sự hỗ trợ của trên, sự chung tay, giúp sức của các doanh nghiệp, thôn Cây Khế cứng hóa được hơn 3.000m đường ngõ xóm, kênh mương nội đồng. Đặc biệt, cùng thời điểm này, việc hoàn thành con đường bê tông dẫn ra nghĩa trang của thôn với vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đào Xuân Bốn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân về một cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn hết lòng vì công việc tập thể.
Tháng 5-2019 vừa qua, xã Đội Cấn, TP Tuyên Quang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó có sự góp công không nhỏ của CCB Đào Xuân Bốn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Tuyên Quang khẳng định: “Những tâm huyết, trách nhiệm với dân của CCB Đoàn Xuân Bốn phản ánh đúng bản chất, truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên địa phương học tập, noi theo”. Ghi nhận sự đóng góp của CCB Đào Xuân Bốn đối với quê hương, không biết từ bao giờ, những con đường phong quang, sạch sẽ, muôn hoa khoe sắc ở thôn Cây Khế hôm nay được người dân nơi đây quen gọi với cái tên thân mật: “Đường ông Bốn”.