Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Thường trực Chính phủ họp đánh giá ảnh hưởng dịch bệnh tới phát triển kinh tế - xã hội
Ngày cập nhật 13/02/2020

Chiều 12-2, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona - covid-19 (trước đây gọi là nCoV) gây ra đối với phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các giải pháp ứng phó.

 

 

 

Thường trực Chính phủ họp đánh giá ảnh hưởng dịch bệnh tới phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc huy động sức mạnh toàn dân, toàn nền kinh tế để phục hồi, tăng trưởng sau dịch bệnh trên tinh thần quyết liệt bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng qua đây cũng tạo điều kiện cơ cấu lại nền kinh tế phát triển bền vững theo hướng cơ bản,…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, dịch bệnh tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam. Chúng ta bước đầu đã khống chế dịch có hiệu quả. Vì vậy yêu cầu các bộ, ngành quản lý kinh tế phải xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của ngành mình. Các địa phương trọng điểm cũng phải xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp tình hình. Cần tập trung kiểm soát dịch bệnh; tháo gỡ khó khăn cho xuất, nhập khẩu hàng hóa, tìm kiếm các thị trường; tổ chức lại thị trường trong nước,...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng và chặt chẽ.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta phải có biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để xử lý vì dịch bệnh ảnh hưởng mạnh toàn cầu. Việt Nam có biên giới dài với Trung Quốc, quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Việt Nam là nước hội nhập, độ mở nền kinh tế lớn, do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế là không tránh khỏi. Không chỉ biện pháp về kinh tế mà phải cả về thể chế. Chính phủ chưa đặt vấn đề thay đổi mục tiêu tăng trưởng hay thay đổi chính sách tiền tệ mặc dù phải có kịch bản theo tình hình dịch bệnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan hoàn chỉnh lại kịch bản tăng trưởng để có hướng xử lý cụ thể hơn.

Thủ tướng yêu cầu, những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch và mặt trận kinh tế cùng phối hợp để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh khó khăn. Cần phải quản trị tốt, có tầm nhìn, cảm xúc và trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết tâm trên tinh thần “lửa thử vàng”, “gian nan thử sức”. Kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ nhưng phải bình tĩnh; bảo đảm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định để phát triển đất nước, nhất là ổn định tâm lý tiêu dùng và nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp; phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giải tỏa các điểm nghẽn của nền kinh tế; có biện pháp hiệu quả, mạnh mẽ để khoanh vùng các ổ dịch. Không thực hiện các biện pháp cực đoan dẫn đến đình đốn các hoạt động kinh tế, chống dịch không có nghĩa dừng tất cả các hoạt động.

Thủ tướng khẳng định trước mắt không tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ thiết yếu khác. Đẩy mạnh đầu tư công và giải ngân vốn các công trình trọng điểm, các công trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn FDI; đẩy mạnh đầu tư xã hội; coi trọng đầu tư bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để làm tiền đề thúc đẩy các ngành liên quan khác phát triển; ưu tiên dồn vốn đầu tư công để thúc đẩy các công trình trọng điểm hiệu quả,...

Thủ tướng cũng chỉ đạo bảo đảm ổn định vĩ mô, trong đó chú trọng bình ổn giá lợn hơi. Đây là nguyên tắc trong chỉ đạo, điều hành để kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, không để xảy ra thiếu hàng, đầu cơ, tăng giá; áp dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử,... Tuy không đặt vấn đề thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt tình hình, có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt. Bảo đảm ổn định và giữ vững quan hệ đối ngoại; tất cả cần sẵn sàng cho sự kiện ASEAN. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp bám sát thực tiễn, tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác truyền thông cho nhân dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin mạnh mẽ vào các giải pháp mà Chính phủ đang kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững quan hệ quốc tế, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các ngành liên quan bảo đảm nguồn lao động cho doanh nghiệp, khu công nghiệp, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, cung ứng,... là tiền đề hết sức quan trọng để xã hội phát triển bình thường, tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.

 

https://nhandan.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.420.320
Truy cập hiện tại 45