Làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, hình thành từ thời di dân mở nước, tên làng được chép trong sách Ô châu cận lục (1553); nghề đan đệm bàng của làng này cũng được Lê Quý Đôn mô tả trong sách Phủ biên tạp lục (1776). Phò Trạch nổi tiếng với nhiều lễ hội, trò chơi, trò diễn như: sắc bùa, hát trò, tập chèo… cùng các trò chơi ném cù, leo cột mỡ, đi cầu nước; đu tiên, đu nhún, đu rút, đu giàng xay... Các địa danh: Cồn Hội, Cồn Đu, Cồn Cù, Bến Trò… nay vẫn còn, minh chứng cho một ngôi làng giàu truyền thống văn hóa.
Lễ hội, Sắc Bùa ngày xuân ở làng Phò Trạch là một hình thức lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc thể hiện thông qua nghệ thuật diễn xướng với trò diễn hấp dẫn. Nội dung chính của Sắc Bùa là tróc quỷ, đóng bùa trấn trạch, trừ tà ma… mang sự bình yên đến khắp mọi nhà trong dịp đầu năm mới. Theo định kỳ 12 năm một lần “Tý tập Sửu sắc”, tức là vào tháng Chạp năm Tý, đội Sắc Bùa bắt đầu tập luyện cho đến giao thừa đêm 30. Đúng vào thời khắc khởi đầu của năm Sửu thì khởi lệnh Sắc Bùa cho đến ngày 14 tháng Giêng mới chấm dứt, chuẩn bị cho những trò chơi xuân tiếp theo bắt đầu từ rằm tháng Giêng.
Toàn đội Sắc Bùa khoảng trên 20 người: các nhân vật chính gồm chánh cai sắc, phó cai sắc, tróc quỷ là người đứng tuổi, có chức sắc trong thôn, làng…, hàng đội và phụ tá cai sắc từ 10 đến 12 người (trung niên), ngoài ra còn có người cầm đuốc, trống, thanh la, nảo bạt... Đóng vai quỷ là trẻ em từ 10 – 15 tuổi.
Về phục trang đạo cụ, ông chánh cai sắc mặc áo mã tiên có vẽ hình long phụng, tay cầm phương thiên họa kích. Ông phó cai sắc mặc áo thụng xanh, tay cầm đại đao. Ông tróc quỷ cầm đao hoặc kiếm. Hai người phò tá cai sắc cầm huyền và ngù (huyền và ngù là hai vật dùng để khai môn trừ tà của đạo giáo, có gắn lục lạc, nên khi nện xuống đất hoặc rung đều phát ra âm thanh). Hàng đội cầm náp (loại gươm dài bằng gỗ).
Khởi đầu Sắc Bùa, toàn đội kéo đến đình làng, đình thôn làm lễ cáo trình. Sau đó mới đến từng nhà. Khi đến, toàn đội Sắc Bùa đứng ở ngoài sân, ông chánh cai sắc xướng lớp xưng tụng quyền uy, cung thỉnh chư vị thần linh, thiên tướng giúp sức: “Đệ tử phụng mệnh an phù, thỉnh thiên bồng thiên du, thỉnh thiên linh huyền đàng thượng tướng. Tật tốc ứng ngô khẩu. Tật tốc ứng ngô thanh. Thỉnh thiên linh huyền đàng. Tốc nhập tộ sơn đáo hải. Sát vạn quỷ trừ tà Thỉnh Thái thượng lão quân. Thần phù cấp sắc”.
Sau khi cung thỉnh thần linh xong, ông chánh cai sắc xướng bài khai môn:
“Huyền đàn thượng tướng sai xuống đây hỏa tốc khai môn, mở cửa nhà này/ Vạn vạn muôn muôn đô lực sĩ. Bao nhiêu thằng quỷ, phải bắt ra đây”. Tay ông cai sắc làm động tác họa bùa trong không trung, rồi tiếp tục hô:
Họa sắc!
Trong nhà tắt lửa thì thổi lửa lên, để chúng min [1] vào bắt thằng tà thằng quỷ, bắt thằng lũ lĩ [2] chân tay, bắt thằng ngay thằng vạy, đố thằng nào chạy khỏi tay ông. Tay ông là tay thiên bồng thiên tướng, đốt lửa sang sông. Đầu ông đội lá đa, má ông má sành, nanh ông nanh sắc. Ông bắt thằng quỷ ông chém làm ba (toàn đội phụ họa: chém làm ba).
Thỉnh Thái thượng lão quân thần phù cấp sắc.
Lời xướng dõng dạc của ông cai sắc cùng với tiếng trống, tiếng rung của lục lạc… tạo nên một không gian thần bí đầy uy lực.
Tróc quỷ là phần mang kịch tính hấp dẫn nhất, vì khi đội sắc bùa đến, người đi xem rất đông, nhất là trẻ em. Lúc này không ai thấy nhân vật quỷ ở đâu. Nhưng đến đoạn ông tróc quỷ hô: “Phá môn tiền nã tróc quỷ tà” thì nghe quỉ lên tiếng van xin từ trong nhà (Đội Sắc Bùa thường chuẩn bị hai chú bé đóng vai quỷ. Khi mọi người chú mục theo dõi chú quỷ đang diễn, thì chú quỷ khác lại đột nhập và ẩn núp vào nhà bên cạnh).
Khi vào nhà bắt quỷ, ông cai sắc xướng: “Nào... thằng quỷ là chúng tà ma, mày ở làm chi trong xó nhà, có lệnh Ngọc hoàng sai xuống bắt… Ông tróc quỷ hô lớn:
“Phụng tróc quỷ như lôi điện xuyết,
Khóa môn tiền nã tróc quỷ tà…”
Quỷ (đang ở trong nhà) lên tiếng van xin:
“Khất dung thứ, khất dung thứ, chúng tôi ra, chúng tôi ra…”.
Sau phần tróc quỷ là đến phần cầu an trong gia đình, phần diễn xướng khá dài bao gồm nhiều nội dung: Cầu an thổ công, thổ chủ, an tằm, an táo (cầu an bếp núc), an sàng an tịch (cầu an giường chiếu).... Rồi đến phần khán nhà, trấn mộc, đóng bùa (dán bùa ở các cửa, nơi chăn tằm, chuồng trâu....). Phần cuối của lễ hội Sắc Bùa là “phong bạch”: Ông chánh cai và phó cai sắc cùng hàng đội xướng, họa, ngâm phú... với nội dung chúc tụng gia chủ năm mới an khang thịnh vượng.
Xưa, năm nào Phò Trạch cũng mở hội chơi xuân với nhiều trò chơi hấp dẫn. Cứ 12 năm, đến phiên mở hội Sắc Bùa, người dân lại chơi xuân hết cả tháng Giêng. Sắc bùa Phò Trạch là bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc sắc tồn tại hàng trăm năm trên vùng đất Thuận Hóa - Huế. Lễ hội này đã từng được phục dựng biểu diễn tại làng Phò Trạch tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng các làng văn hóa, biểu diễn tại sân khấu cộng đồng Festival Huế... đã tạo sự hấp dẫn đối với người xem. Mong rằng lễ hội Sắc Bùa Phò Trạch tiếp tục được tổ chức nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân. (baothuathienhue.vn 12/2)