Như vậy, vải thiều là trái cây tươi thứ tư của Việt Nam, sau thanh long, xoài, chuối, được phép nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản- một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nhất thế giới. Đây là cơ hội lớn để ổn định sản xuất, tiêu thụ cho nông dân trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nước ta, thêm điều kiện để hạn chế thấp nhất tình trạng “dội chợ” trong thời điểm thu hoạch cao điểm như đã từng xảy ra nhiều năm vừa qua. Đặc biệt, điều này lại càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do không xuất được sang Trung Quốc cũng như một số thị trường khác.
Tuy nhiên, cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu cho các vùng trồng vải của nước ta, nhất là các tỉnh trọng điểm như Hải Dương, Bắc Giang… trong việc thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng đúng, đủ các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường Nhật Bản. Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai nhanh, hiệu quả những yêu cầu từ phía đối tác, nhất là đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng và bảo đảm truy xuất nguồn gốc vườn trồng. Theo đó, diện tích đăng ký tối thiểu 5 ha/vùng mã số; tỷ lệ vải ra hoa tại vùng đăng ký cấp mã số đạt từ 70% trở lên…Vườn trồng vải phải được lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Vườn phải áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp đối với ruồi đục quả phương Đông. Đồng thời tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng, phải tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Các cơ sở đóng gói, xông hơi khử trùng quả vải xuất khẩu phải thực hiện theo quy định về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản.
Về phía các địa phương có diện tích trồng vải lớn, cần có kế hoạch tổ chức kết nối doanh nghiệp với các vùng trồng, quản lý kiểm dịch thực vật cho quả vải trước khi xuất khẩu; hỗ trợ giám sát vùng trồng và các điều kiện cần thiết khác. Bên cạnh sự nỗ lực tạo điều kiện về thủ tục hành chính và kiểm soát quy chuẩn của các cơ quan chức năng, thì một điều vô cùng quan trọng là nâng cao ý thức của người nông dân trong sản xuất và trách nhiệm, uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đó là việc nông dân cần tuyệt đối tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu trong quy trình sản xuất; các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua hàng đúng chất lượng, bảo đảm đủ các yêu cầu đã đặt ra, tránh trường hợp thu mua cho kịp hợp đồng xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín lâu dài của quả vải cũng như những nông sản khác của Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Mở được thị trường mới đã khó, giữ được thị phần, khẳng định thương hiệu, uy tín của quả vải Việt Nam tại thị trường rất khó tính này sẽ tiếp tục là bàn đạp để nông sản Việt Nam thoát khỏi phụ thuộc, tự tin cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.