Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ tai buổi làm việc với các sở ngành, địa phương bàn phương án phát triển đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học (ATSH) vào chiều ngày 19/2.
Tại buổi làm việc, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo về tình hình dịch tả lợn Châu Phi và công tác quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn trong vùng không có dịch và vùng hết dịch; phương án phát triển đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học tại các huyện Quảng Điền và Phong Điền.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 14.000 con lợn được nuôi tái đàn, lợn tái đàn được nuôi phần lớn tại các trang trại bảo đảm ATSH. Theo đề án của huyện Quảng Điền thì đến năm 2025, huyện phấn đấu đạt 110 hộ chăn nuôi lợn hướng hữu cơ, đảm bảo ATSH theo chuỗi giá trị. Huyện Quảng Điền triển khai các vùng chăn nuôi lợn tập trung ATSH tại 16 xã, thị trấn với tổng diện tích quy hoạch gần 308ha để phát triển chăn nuôi lợn lâu dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại về những hạn chế, tồn tại trong ngành chăn nuôi, có những giải pháp căn cơ đối với những sai phạm trong chăn nuôi cũng như cơ sở giết mổ, sớm chấm dứt việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Việc tái đàn lợn là cần thiết nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là góp phần cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Tuy vậy, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, tránh tâm lý nóng vội, tự ý tái đàn tràn lan. Cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn”, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.
Tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đồng ý với việc thực hiện thí điểm đề án phát triển đàn lợn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và theo chuỗi tại huyện Quảng Điền và phương án chăn nuôi lợn theo hướng ATSH tại huyện Phong Điền. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nhiều nguồn để đề án sớm được triển khai, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi mạnh dạn tham gia với định hướng lâu dài, tạo ra sản phẩm hàng hóa, phát triển theo chuỗi liên kết có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, cần đầu tư các hệ thống đảm bảo và giám sát xử lý ô nhiễm môi trường bền vũng để không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và cảnh quan sinh thái; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Dựa vào các mô hình chăn nuôi ATSH đã thành công của các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm, tập đoàn lớn trên địa bàn để nhân rộng, liên kết thực hiện.
“Chăn nuôi lợn ATSH đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Phải có phương án để người dân luôn cảm thấy an toàn, yên tâm trong chăn nuôi, đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững là nhiệm vụ của các cấp, các ngành”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.