Giữ ngọn lửa nhiệt huyết với phong trào
Là một đảng viên trẻ, đồng thời cũng là một người cán bộ đoàn gương mẫu, trách nhiệm, thời gian qua, bằng sự tâm huyết, sáng tạo và nhiệt tình trong công tác, chị Trần Thị Trúc Linh - Bí thư Xã đoàn Gia Bình (huyện Trảng Bàng) đã từng bước đưa hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương ngày càng phát triển. Bản thân chị cũng đạt nhiều bằng khen của UBND tỉnh và Đoàn cấp trên về những thành tích đạt được trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Chị Trúc Linh tặng chai thủy tinh đựng nước cho học sinh
|
Dù là một đảng viên trẻ, song chị đã phát huy được năng lực, sở trường, đóng góp tích cực trong lĩnh vực công tác. Trong từng nhiệm vụ, chị luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người Đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”.
Lắng nghe lời Bác, trong công tác chị luôn cố gắng phát huy vai trò người thủ lĩnh thanh niên nói đi đôi với làm, bằng những hành động, việc làm cụ thể, tự rèn luyện, gương mẫu trong mọi lĩnh vực.
Chị đã cùng với Ban chấp hành Xã đoàn chủ động tham mưu xây dựng chương trình công tác năm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng. Các phong trào, hoạt động của Đoàn, Đội từ chương trình hiến máu nhân đạo, xuân tình nguyện, chiến dịch hè, chiến dịch Tháng thanh niên,… luôn thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, một phần đến từ sự lan tỏa của tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình của chị Trúc Linh.
Bên cạnh đó, chị còn tổ chức, thực hiện nhiều mô hình, việc làm có ý nghĩa tại địa phương như: mô hình Cửa hàng miễn phí - tặng nhu yếu phẩm cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn với phương châm “nhường cơm sẻ áo”; Đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm thân thiện môi trường; Thắp sáng đường quê; Gian hàng 2.000 đồng,… Qua đó, góp phần chăm lo đời sống cho người dân tại địa phương.
Tuy đạt được nhiều thành tích nổi bật nhưng chị Linh luôn khiêm tốn, giản dị, đồng thời không ngừng nỗ lực, học hỏi, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ công tác, góp phần đưa hoạt động cơ sở Đoàn tại địa phương phát triển vững mạnh. Mong muốn của chị là làm sao có thể tổ chức được nhiều hơn nữa các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng, xã hội, phát huy hơn nữa tinh thần xung kích, tình nguyện, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn của tuổi trẻ.
Hết lòng vì học sinh thân yêu
Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng, cô giáo Thị Hồng Oanh, người dân tộc Khmer hiện đang công tác tại trường THCS Tân Phong, huyện Tân Biên luôn không ngừng cống hiến để thực hiện khát vọng mang con chữ đến với các em học sinh vùng đồng bào dân tộc. Chị là một trong số những gương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Cụm miền Đông Nam Bộ năm 2019.
Cô giáo Hồng Oanh (ngoài cùng bên phải) tổ chức CLB Sử học Búp sen hồng
|
Từ nhỏ, Hồng Oanh đã có ước mơ trở thành cô giáo và khi được đứng trên bục giảng, chị đã nỗ lực hết sức trong việc truyền đạt những kiến thức về lịch sử hào hùng của dân tộc cho học sinh.
Chính từ sự tận tâm với công việc, chị luôn nỗ lực tìm ra các giải pháp để giảng dạy bộ môn Lịch Sử trở nên sinh động, lội cuốn và giúp các em học sinh có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Cụ thể qua các đề tài khoa học, nâng cao chất lượng môn lịch sử của học sinh qua việc sử dụng khai thác lược đồ, bản đồ trong dạy học.
Chị cho biết: “Nếu chỉ dạy học sinh với phấn trắng bản đen, các em cũng khó hình dung được những nội dung thầy cô truyền tải, nếu sử dụng máy chiếu, có hình ảnh, có lược đồ, bản đồ sẽ giúp các em thích thú hơn, khắc sâu kiến thức hơn. Chất lượng học từ đó cũng cũng cao hơn so với lớp học bình thường”.
Bên cạnh đó, để phát huy tính tích cực và nâng cao hứng thú học tập trong môn lịch sử cho học sinh. Đầu năm học, chị còn đứng ra tổ chức thành lập Câu lạc bộ sử học Búp sen hồng. Theo đó, CLB tổ chức nhiều hoạt động như: chơi trò chơi tìm hiểu kiến thức lịch sử, thi tìm hiểu về nhân vật lịch sử… Dù là mô hình mới được áp dụng nhưng qua những lần sinh hoạt cho thấy có hiệu quả tốt, đa phần học sinh đều yêu thích và nhiệt tình tham gia.
Trong công việc, dù làm bất cứ việc gì chị cũng đều cố gắng làm thật tốt, tận tụy, hết sức mình và luôn xây dựng và rèn luyện cho mình có lối sống bình dị, gần gũi. Bên cạnh đó, chị còn có tinh thần tự học, sáng tạo, luôn cố gắng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, nỗ lực tìm hiểu, sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất trong truyền đạt kiến thức đến với các em học sinh.
Nhiều năm liền với vai trò là Bí thư đoàn trường chị còn tổ chức nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi trong học sinh, đoàn viên của trường và của địa phương. Bản thân chị luôn nỗ lực tham gia nhiều hoạt động phong trào sôi nổi do Đoàn cấp trên phát động.
Với những cống hiến không ngừng, chị đã được kết nạp Đảng vào năm 2017, đây cũng chính là cơ hội để chị nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Chị nói: “Từ ngày vào Đảng đến nay, tôi đã có cơ hội phấn đấu, học hỏi rất nhiều điều bổ ích từ đồng chí, đồng nghiệp. Tôi thấy mình trưởng thành hơn trong tư tưởng lẫn hành động”.
Hăng say sáng tạo trong lao động, sản xuất
Đảng viên trẻ Kiều Đình Thỏa - Bí thư chi đoàn cơ sở Xí nghiệp cơ khí chế biến, trực thuộc Đoàn Thanh niên Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên được biết đến là tấm gương của sự nỗ lực tự rèn luyện trong lao động sản xuất, có nhiều sáng tạo thiết thực, hiệu quả.
Anh Kiều Đình Thỏa bên chiếc máy do mình chế tạo
|
Dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hết mình cho công việc là điều mọi người thường nghĩ tới khi nhắc đến anh. Do đặc thù công việc tiếp xúc quản lý trực tiếp công nhân nên anh thấu hiểu những khó khăn vất vả của họ. Từ đó, anh đã mày mò nghiên cứu, đưa ra những ý tưởng, sáng kiến, sau đó phối hợp với đồng nghiệp có chuyên môn, tay nghề giỏi cùng thực hiện các sáng kiến này.
Từ năm 2014 cho đến nay, anh đã có những sáng kiến thiết thực được ứng dụng vào sản xuất như: Sáng kiến “Giảm tối thiểu sự biến dạng của thùng sấy mủ, giảm tỷ lệ rớt hạng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo An toàn vệ sinh lao động”; “Chế tạo bộ phận cắt, dập đai liên hợp”; Sáng kiến “Chế tạo máy cán mini sử dụng bằng động cơ”…
Đầu năm 2019, anh Thỏa đã cho ra đời sáng kiến “Hệ thống tráng phi mủ tiểu điền” được áp dụng vào sản xuất, hiệu quả mang lại rất cao trong việc thu hồi lượng mủ xả bỏ ra ngoài môi trường. Các sáng kiến này góp phần vào hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những sáng kiến kỹ thuật của anh đã được Ban lãnh đạo Công ty đánh giá cao, ủng hộ và tạo điều kiện đưa vào áp dụng trong các hoạt động sản xuất của đơn vị. Đặc biệt, những sáng kiến này cũng góp phần giúp người lao động đỡ vất vả, giảm sức lực lao động và năng suất, hiệu quả tăng hơn trước.
Từ những nỗ lực đóng góp trong mọi hoạt động, anh Kiều Đình Thỏa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua. Bảng thành tích khen thưởng của anh ngày càng nhiều thêm như: Chứng nhận danh hiệu Thanh niên tiêu biểu ngành cao su Việt Nam; Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn; Bí thư Chi đoàn giỏi cụm miền Đông Nam bộ, Công nhân Cao su ưu tú…
Mới đây nhất, năm 2019, anh vinh dự nhận Giải thưởng “Cao su Việt Nam” - giải thưởng có uy tín của VRG, được trao cho những cá nhân, tập thể có những đóng góp xuất sắc, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cao su./.