Tuy nhiên, muốn tăng quy mô để ngành phát triển ổn định, bền vững, vấn đề cấp thiết là phải có quy hoạch một cách bài bản. Hiện tại, ngành dệt đang sử dụng gần ba triệu lao động, trả lương lên tới 18 nghìn tỷ đồng/tháng, biến nguồn lao động nhàn rỗi tại các làng quê, với giá trị thấp, thành nguồn tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, các nhà máy dệt may hiện nay vẫn đang tập trung tại các thành phố lớn, gây nên sự gia tăng dân số cơ học đột biến, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác. Trong khi đó, nếu đặt nhà máy tại các vùng sâu, vùng xa, người công nhân có thể sống tại nhà, đi làm hằng ngày, tiết kiệm đáng kể chi phí ăn uống và tiền thuê nhà ở. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn muốn đặt cơ sở sản xuất ở các thành phố, đô thị lớn và sẵn sàng trả lương cao hơn từ 30% đến 40%, không muốn đặt cơ sở tại các vùng quê xa xôi, hẻo lánh. Bởi khi chuyển về vùng sâu, vùng xa, DN phải đối diện với tình trạng sử dụng người lao động trình độ tay nghề thấp, giao thông không thuận tiện,... sẽ có nguy cơ thua lỗ, phá sản.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và các đơn vị thành viên đã đầu tư, đặt nhà máy tại miền núi, vùng sâu, tạo việc làm cho người dân thiểu số như ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), Gò Quao (Kiên Giang),... nhưng thực tế hiệu quả đầu tư mang lại thấp hơn nhiều so với tại các tỉnh, thành phố lớn. Việt Nam còn khoảng 40 triệu lao động chưa đạt mức thu nhập từ 2,5 đến 3 nghìn USD/năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân người lao động ngành dệt may đã đạt từ 3 đến 5 nghìn USD/năm. Chính vì vậy, việc quy hoạch tổng thể ngành để không bị co cụm như hiện nay là rất cấp thiết. Theo đó, quy hoạch tổng thể dệt may cần dựa trên ba điều cốt yếu: cơ sở hạ tầng giao thông, cơ chế chính sách (nhất là tiết giảm chi phí logistics và chi phí ngoài DN), lộ trình đào tạo và hỗ trợ đào tạo nhân sự. Ðây là những vấn đề bản thân DN không thể tự làm được, mà rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước và các bộ, ngành chức năng. Mặt khác, Nhà nước cần xác định vị trí, vai trò của công nghiệp dệt may trong 10 đến 15 năm tới để có cơ chế, chính sách phù hợp trong trung và dài hạn; sớm xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để định hướng phát triển ngành trong tương lai; có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho dệt may,... Các địa phương cần lựa chọn cấp phép cho các dự án lớn đầu tư dệt, nhuộm với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; có chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ như dệt, nhuộm, không ưu đãi tràn lan cho may; tháo gỡ rào cản về cơ chế chính sách cho DN, cụ thể về quy định làm thêm giờ, tiền lương, bảo hiểm, kiểm tra chuyên ngành, thuế và hoàn thuế, phí, lệ phí,... nhằm tạo tiền đề để DN phát triển.