Ðảng viên 5 tiên phong
Ðể nâng cao chất lượng đảng viên ở những địa bàn khó khăn, các cấp ủy chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện quần chúng, nâng cao trình độ, năng lực cho đảng viên, nhất là rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Trước đây, xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) là xã đặc biệt khó khăn, hạ tầng còn sơ khai, tình hình an ninh phức tạp, hệ thống chính trị yếu kém. Trước thực trạng đó, Huyện ủy Sìn Hồ đã cử cán bộ từ huyện về giữ một số vị trí chủ chốt của xã. Xã mạnh dạn cử một số cán bộ người địa phương đi học, nâng cao trình độ. Ðến nay, bộ máy cán bộ chủ chốt của xã đã chuyển biến về chất và lượng. Năm 2015, toàn bộ cán bộ tăng cường từ huyện đã được rút về, bộ máy lãnh đạo xã hiện tại đều là người địa phương, trong đó, 40% có trình độ đại học, hơn 90% ở độ tuổi dưới 40.
Một số xã vùng sâu của tỉnh Lai Châu còn có những dân tộc đặc biệt ít người sinh sống. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đảng viên ở địa bàn này có vai trò rất quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Ðảng ủy xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn chú trọng bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người dân tộc tại địa bàn kết nạp vào Ðảng, làm hạt nhân các phong trào, trong đó có trường hợp nữ Bí thư Chi bộ bản Nậm Sảo 1 (xã Trung Chải) Lò Mé Thơ, 32 tuổi. Nậm Sảo 1 là một trong những bản người Mảng đặc biệt khó khăn, hơn 85% số hộ dân trong diện đói, nghèo. Bí thư Thơ cùng chi bộ đã vận động người dân trong bản trồng cây nghệ, cây dong riềng và phát triển chăn nuôi gia súc. Chỉ sau hai năm, tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm hơn 20%, nhiều hộ đã mua sắm tiện nghi phục vụ đời sống. Thiếu tá Trần Văn Nam - Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Trung Chải cho biết, cuộc sống của người Mảng ở Nậm Sảo 1 đã có nhiều thay đổi. Bà con chịu khó làm ăn, các tệ nạn rượu chè, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đẩy lùi... Những thay đổi này là kết quả thực hiện nghị quyết của chi bộ bản, với vai trò đầu tàu của Bí thư Chi bộ Lò Mé Thơ.
Huyện Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn có 21 xã, thị trấn, trong đó, phần lớn là các xã xa, đồng bào sinh sống rải rác. Ðảng bộ huyện thực hiện nhiều giải pháp củng cố hệ thống đảng bộ xã, các chi bộ, xây dựng đội ngũ cấp ủy, bí thư bảo đảm số lượng và chất lượng. Năm 2017, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã Nam Cường nghỉ chế độ, đồng chí Phó Bí thư Thường trực còn trẻ, ít kinh nghiệm. Trước tình hình đó, Huyện ủy luân chuyển, chỉ định đồng chí Ma Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy xã. Việc luân chuyển vừa giúp đồng chí Dũng được đào tạo, rèn luyện ở cơ sở, vừa giúp cán bộ trẻ ở xã được học hỏi, cọ xát. Ðến năm 2019, đồng chí Ma Văn Dũng được luân chuyển trở lại huyện, đồng chí Phó Bí thư Thường trực đã đủ năng lực, bản lĩnh để phụ trách Ðảng bộ xã, là nguồn cấp ủy chủ chốt của địa phương.
Từ tháng 7-2019, Huyện ủy Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) phát động phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân”, yêu cầu mỗi tháng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dành ít nhất hai ngày cuối tuần xuống địa bàn được phân công để truyền đạt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; trao đổi, bàn thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ tại cơ sở. Trung bình mỗi tháng, có gần 1.600 lượt cán bộ, đảng viên và hơn 5.000 lượt người dân cùng thực hiện các công việc như: tu sửa đường giao thông nông thôn, khai hoang ruộng bậc thang, vận động, huy động các nguồn lực hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo... Phong trào duy trì, lan tỏa mạnh mẽ là chất men thúc đẩy hoạt động trên các lĩnh vực đời sống xã hội của huyện. Nhờ đó, năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, riêng doanh thu từ du lịch đạt 93 tỷ đồng.
Xác định việc xây dựng tấm gương đảng viên tiên phong, gương mẫu thì chi bộ mới mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, Tỉnh ủy Lào Cai tuyên truyền, vận động đảng viên thực hiện “5 tiên phong” (tiên phong về nhận thức lý luận, về phẩm chất chính trị, về đạo đức lối sống, về hoạt động thực tiễn và phong cách làm việc). Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai (huyện Mường Khương) Sùng Seo Sài. Hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ, 22 năm làm Trưởng thôn, ông Sùng Seo Sài luôn là trung tâm của sự đoàn kết, gương mẫu đi đầu, biết sáng tạo, tiếp thu, cùng các đảng viên, người dân chung tay góp sức xây dựng quê hương. Khu dân cư Hèn Tà thuộc thôn Cốc Lầy là nơi sinh sống chủ yếu của 36 hộ đồng bào dân tộc Dao, H’Mông, trong đó có nhiều hộ mới chuyển về lập nghiệp. Ông Sài đã tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong các cuộc họp và tiếp xúc cử tri, ông luôn có ý kiến, kiến nghị với huyện, tỉnh có cơ chế hỗ trợ các hộ dân mới di chuyển về đây. Khi kinh tế phát triển, người dân yên tâm lập nghiệp ở vùng đất mới, ông quan tâm đến công tác tạo nguồn, giới thiệu cho Ðảng những quần chúng ưu tú. Từ một bản “trắng” đảng viên, giờ đây Chi bộ thôn Cốc Lầy có 11 đảng viên. Ở thị trấn Mường Khương, Phó Bí thư Ðảng ủy thị trấn Phạm Quang Thảo cũng là tấm gương đảng viên 5 tiên phong. Là sĩ quan biên phòng được tăng cường về thị trấn Mường Khương làm Phó Bí thư Ðảng ủy, bằng kỹ năng tin học và quan hệ xã hội của mình, anh Thảo lập tài khoản Facebook cá nhân, giúp người dân địa phương tiêu thụ các loại trái cây đặc sản. Từ năm 2017 đến nay, Phó Bí thư “mang quân hàm xanh” đã giúp người dân địa phương tiêu thụ 20 tấn quýt, 80 tấn ổi lê, tám tấn hồng giòn, trị giá hơn 400 triệu đồng.
Vẫn còn những bất cập
Khảo sát tình hình thực tiễn ở các địa bàn khó khăn thuộc tỉnh miền núi phía bắc cho thấy, quá trình dịch chuyển nhanh nguồn lao động giữa các vùng, thành phần kinh tế, khiến nguồn phát triển đảng ở khu dân cư, thôn, bản ngày càng khó khăn. Một số đảng viên ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rời quê hương đi làm ăn xa, xin thôi hoặc bỏ sinh hoạt Ðảng, ảnh hưởng chất lượng hoạt động TCCSÐ, nguy cơ tái “trắng” đảng viên, chi bộ còn cao.
Thôn Tỉn Thàng, xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương (Lào Cai) có 53 hộ với 238 nhân khẩu, đều là đồng bào H’Mông. Chi bộ thôn hiện có 13 đảng viên, gồm 12 nam và một nữ. Chi bộ rất cần thêm một đảng viên nữ để tuyên truyền vận động người dân thực hiện các công việc liên quan phụ nữ, trẻ em, nhưng sáu năm gần đây chưa kết nạp được, do phụ nữ ở địa phương có tâm lý tự ti, ngại tham gia hoạt động xã hội. Chị Giàng Ghếnh, 22 tuổi, là quần chúng ưu tú, được chi bộ dự kiến giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng trong thời gian tới, song chị Ghếnh băn khoăn không biết khi vào Ðảng liệu có ảnh hưởng đến công việc gia đình không. Ngay cả với những quần chúng có trình độ chuyên môn thì công tác phát triển đảng cũng không đơn giản. Anh Tráng Sử, 23 tuổi, vừa học xong Trường trung cấp Nông lâm Thái Nguyên, là thanh niên ưu tú được chi bộ thôn dự kiến giới thiệu tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng. Tuy nhiên, anh Sử đang có ý định, sau khi tốt nghiệp sẽ tìm việc làm ở nơi khác. Chưa kể nhiều người chưa xác định động cơ vào Ðảng đúng đắn. Bí thư Chi bộ thôn Pác Giả, xã Rã Bản, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn) Nông Thị Tân cho biết, năm 2018, chi bộ đã bồi dưỡng, rèn luyện, cử hai quần chúng đang là cán bộ không chuyên trách của thôn đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng. Thế nhưng, đến khi tỉnh quyết định giảm đội ngũ không chuyên trách, hai quần chúng này thuộc diện giảm, không còn được hưởng phụ cấp, hai quần chúng này cũng từ chối kết nạp Ðảng.
Trên thực tế, lực lượng đoàn viên, thanh niên ở các xã vùng sâu, vùng xa không ít, nhưng hầu hết chỉ học xong THCS rồi đi làm thuê, mỗi năm chỉ về nhà một, hai lần. Số lượng đảng viên đi làm ăn xa cũng tăng dần, ảnh hưởng không nhỏ hoạt động của các chi bộ. Năm 2016, tỉnh Bắc Kạn có 124 đảng viên đi làm ăn xa, năm 2017 con số này tăng lên 225 đảng viên và năm 2018 lên tới 343 đảng viên. Phần lớn số đảng viên đi làm ăn xa lại là đảng viên trẻ, dẫn đến tình trạng “già hóa” đảng viên, làm giảm sút năng lực lãnh đạo của chi bộ. Chi bộ số 10, thuộc Ðảng bộ phường Sa Pa, thị xã Sa Pa (Lào Cai) hiện có 23 đảng viên, trong đó sáu đảng viên xin miễn sinh hoạt đảng. Ðảng viên Trần Thị Xuân, 63 tuổi, người được phân công bốn nhiệm vụ: Chi hội trưởng Chi hội nông dân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, thủ quỹ chi bộ, tâm sự: “Hai năm nay, sức khỏe không được như trước, tôi muốn nghỉ ngơi, nhưng chưa có đồng chí nào thay, cho nên phải tiếp tục”. Chi bộ thôn Pác Giả, xã Rã Bản, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn), vài năm trước có sáu đảng viên. Ðến năm 2019, có ba đảng viên cao tuổi qua đời, chi bộ chỉ còn ba đảng viên. Ðảng bộ xã phải phân công ba đồng chí từ chi bộ cơ quan xã về sinh hoạt tại đây để duy trì số lượng đảng viên cho chi bộ.
Bên cạnh đó, một số TCCSÐ chưa đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách làm việc, dẫn đến xa rời quần chúng, quan liêu, công tác quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên còn bị buông lỏng, để xảy ra sai phạm phải xử lý. Năm 2015 và năm 2016, xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) được đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng năm công trình giao thông. Thế nhưng, sau khi triển khai, đưa công trình vào sử dụng, thanh quyết toán thì có đến bốn công trình bị phát hiện thi công không đúng thiết kế, thanh toán vượt khối lượng, gây thất thoát hàng trăm triệu đồng. Chịu trách nhiệm chính về sai phạm này là Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu, Trưởng Ban quản lý dự án nông thôn mới xã Hoàng Văn Hùng. Tháng 5-2018, ông Hùng bị xử lý kỷ luật. Vụ việc cũng cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của một số TCCSÐ còn hình thức, chưa hiệu quả, dẫn tới sai phạm, vi phạm chậm được phát hiện, xử lý ngay từ cấp cơ sở. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chợ Ðồn Triệu Quang Duy cho biết, cái khó nhất với TCCSÐ là không phát huy được vai trò của ủy ban kiểm tra các cấp. Nhiều ủy ban kiểm tra đảng ủy xã có đầy đủ thành viên, nhưng lúng túng khi triển khai, thậm chí có những vụ việc làm chưa đầy đủ theo quy định, có kết luận kiểm tra phải ban hành lại.
Nâng cao chất lượng TCCSÐ
Ðể nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSÐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tại các địa bàn khó khăn đáp ứng yêu cầu tình hình mới, các cấp ủy đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện trong thời gian tới.
Trước hết, cần tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập ổn định để thanh niên bám trụ sản xuất, sinh sống ngay tại quê hương, từ đó rèn luyện và bồi dưỡng đối tượng kết nạp Ðảng, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở địa phương. Bí thư Huyện ủy Mường Khương (tỉnh Lào Cai) Giàng Quốc Hưng phân tích, thực tiễn cho thấy, chỉ khi kinh tế phát triển, người dân yên tâm lập nghiệp ở địa phương thì TCCSÐ mới có điều kiện thuận lợi để rèn luyện, bồi dưỡng nguồn phát triển Ðảng. Các chi bộ phải bám sát thực tiễn, đề ra nhiều chính sách khuyến khích quần chúng trẻ người dân tộc thiểu số vào Ðảng; chỉ đạo người có uy tín, đảng viên tại các chi bộ gương mẫu để quần chúng noi theo, phấn đấu vào Ðảng. Chú trọng chất lượng đảng viên kết nạp, không chạy theo thành tích, số lượng đơn thuần. Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai Ngô Hữu Quý đề xuất, đối với đảng viên, ngoài việc thực hiện “5 tiên phong”, còn cần thực hiện “5 việc phải làm” ( Nói và viết theo đường lối, nghị quyết của Ðảng, rèn luyện chuyên môn và năng lực công tác, rèn luyện đạo đức, lối sống, chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nêu cao phê bình, tự phê bình). Chi bộ cần thường xuyên kiện toàn về mặt tổ chức, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ, chăm lo xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, kết hợp giữa giáo dục đảng viên với rèn luyện đảng viên thông qua thực tiễn công tác.
Phó Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) Vũ Hồng Khanh cho biết, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở là tiền đề để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Hệ thống chính trị ở cơ sở mạnh thì mới có điều kiện quan tâm sâu sát đến chi bộ, tổ chức đoàn thể các cấp; tổ chức đoàn thể các cấp mạnh, chi bộ mạnh không có lý gì để đảng viên mình yếu. Ðồng chí Văn Hữu Bằng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ðiện Biên đề xuất, cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, chủ trương mới cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ, đảng bộ cơ sở, nhất là chi bộ tại khu vực nông thôn, vùng cao, biên giới. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hòa An (tỉnh Cao Bằng) Lục An Khánh cho rằng, cần tiếp tục đưa sinh hoạt chi bộ chuyên đề vào chiều sâu, mỗi chi bộ lựa chọn vấn đề yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, bàn đưa ra giải pháp khắc phục. Ðồng thời, hướng dẫn các chi bộ ra nghị quyết đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn với phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện.
Hy vọng rằng, những kết quả về công tác củng cố, xây dựng Ðảng trong thời gian qua sẽ là tiền đề vững chắc để thời gian tới, bằng quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, bài bản, cấp ủy các địa phương tiếp tục có những giải pháp nâng cao chất lượng TCCSÐ tại các địa bàn khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, kéo gần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước.