Trùng tu sai cả Bảo vật quốc gia
Năm 2014, giới nghiên cứu văn hóa một phen nhốn nháo bởi vụ việc trùng tu sai tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, bảo vật quốc gia ở chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) ngay trước thềm lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với tấm bia này (ngày 18-3-2014). Để đón lễ trọng, tấm bia đã được chính Phòng VHTT của huyện cho làm vệ sinh “sạch bong kin kít”, bằng cách thuê một tốp thợ xây dùng giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt… đánh cọ kỹ càng, khiến cho dòng chữ do chính vua Lý Nhân Tông ngự bút trên đầu tấm bia bị bào mòn không còn nhìn rõ. Chưa hết, chữ khắc trên bia cùng hoa văn cũng bị đánh ráp kỹ lưỡng cho mờ luôn. Không chỉ bia Sùng Thiện Diên Linh, một số bia có niên đại khác nhau ở chùa Long Đọi Sơn cũng chịu chung số phận.
Bia Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi Sơn bị cào sạch dòng bút tích của vua Lý Nhân Tông. Ảnh: TRỌNG DƯƠNG
Bia Sùng Thiện Diên Linh có niên đại từ thời Lý, trên khắc bài văn bia do Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn và Thượng thư Lý Bảo Cung viết. Bia được dựng phía trước chùa Long Đọi, núi Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trên bia có dòng chữ “Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi”, do đích thân vua Lý Nhân Tông ngự đề bằng lối chữ “phi bạch”. Như vậy để thấy là một di tích được công nhận là Bảo vật Quốc gia, mà còn bị cơ quan quản lý trực tiếp làm hỏng một cách không thể tin được. Và hậu quả, tất nhiên là khó có thể khắc phục lại nguyên bản như cũ.
Bia Sùng Thiện Diên Linh không phải trường hợp đầu tiên, lại càng không phải trường hợp cuối cùng bị trùng tu hỏng. Trong nhiều năm qua, liên tục có những di tích, công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia hoặc di tích có giá trị về kiến trúc, lịch sử, mỹ thuật… bị trùng tu bởi những bàn tay thiếu hiểu biết hoặc không có kiến thức về di tích cổ, dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục được.
Một trong những thí dụ tiêu biểu nhất của việc “xóa sổ” niên đại của những di tích hàng trăm năm tuổi là việc trùng tu Thành nhà Mạc ở thành phố Tuyên Quang năm 2010. Từ một đoạn thành cổ với cổng vòm, nền gạch cũ rêu phong, rễ cây vấn vít…, trở thành một bức tường gạch đỏ mới tinh tươm, mà báo chí và người dân Tuyên Quang khi đó gọi là “cái lò gạch”. Từ một di tích cổ có lịch sử 418 năm đã trở thành di tích “một ngày tuổi” chỉ qua một lần trùng tu.
Cùng rất nhiều di tích, công trình khác liên tục bị phá hỏng trong năm qua vì “trùng tu”, tình trạng trùng tu mà như xâm hại di tích dường như ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải thực sự đưa ra giải pháp toàn diện, nếu không, chẳng bao lâu sẽ chẳng thể còn những di tích cổ kính rêu phong nữa, mà được thay thê hoàn toàn bằng các công trình mới theo kiểu của các “nhà trùng tu”.
Cần phải coi trùng tu di tích là một công việc đặc biệt
GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ: Nghề trùng tu di tích là nghề chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt, mỗi di tích là một loại bệnh cần phải chữa riêng. Trùng tu di tích không phải là làm mới, mà sau mỗi lần trùng tu, di tích trông vẫn phải “già” như cũ, nhưng khỏe và bền hơn, thì mới đạt yêu cầu.
Trùng tu, không chỉ là làm mới lại, xây lại, sửa chỗ hỏng, mà còn là khôi phục nguyên trạng những chỗ đã hỏng, mất, mới nhưng vẫn phải “cũ”, sửa nhưng vẫn phải “cổ kính”. Ở rất nhiều công trình, các chuyên gia đã phải dành rất nhiều công sức để phối hợp với thợ thủ công để tìm cho ra phương án bảo tồn hiệu quả nhất và chính xác theo nguyên bản nhất. Công trình cụm tháp G Mỹ Sơn được tu bổ, bảo tồn từ năm 2003, với sự tham gia của các chuyên gia Italia, Việt Nam phối hợp với thợ thủ công địa phương. Điểm quan trọng nhất là các chuyên gia đã tìm ra được chất liệu kết dính gạch, mặc dù chưa chuẩn xác 100% nhưng cũng khá phù hợp để trùng tu tháp Chăm. Các chuyên gia cũng cùng với người dân địa phương đã thử đủ các loại gạch và lựa chọn được phương pháp gạch phù hợp nhất. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm trùng tu, gạch và chất kết dính này cũng bộc lộ các nhược điểm như lên rêu mốc… Mặc dù kết quả cho đến nay vẫn còn phải chỉnh sửa, nhưng điều đó cho thấy, để trùng tu một công trình hoàn toàn không dễ dàng, có khi phải mất đến cả chục năm để đánh giá thật toàn diện kết quả.
Chính vì thế, các công trình kiến trúc cổ, các di tích nằm trong cộng đồng dân cư… cần phải có sự quan tâm và quản lý sát sao, đặc biệt.
Đối với các công trình, di tích quý hiếm, có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, phải bắt tay ngay vào công việc lưu trữ tư liệu, hình ảnh, thông tin để có căn cứ tham khảo cho công việc trùng tu sau này. Cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương cần có sự sát sao đối với các di tích có giá trị ở địa phương mình, thường xuyên kiểm tra, thống kê về số lượng, thực trạng. Công trình, di tích nào cần phải trùng tu, can thiệp thì báo cáo lên cấp trên xin ý kiến.
Một công việc quan trọng nữa là cần phải có các cuộc trao đổi, trò chuyện, thậm chí tập huấn cho người dân địa phương, đặc biệt là ban quản lý di tích, thủ từ… về giá trị của di tích, về bảo vệ, kiểm tra và rà soát chính di tích, công trình mà mình quản lý. Một khi người dân đã hiểu được di tích, chẳng hạn như nếu có người chỉ cho họ thấy những hoa văn chạm khắc trên nền gỗ mộc có giá trị và đẹp như thế nào, họ sẽ không đành lòng đem sơn đỏ công nghiệp mà phủ lên.
Những cách làm mới
Ở nhiều di tích, những người yêu văn hóa, lịch sử, kiến trúc cổ… đã cùng nhau ghi lại các chi tiết cũng như cấu trúc tổng thể của công trình để lưu giữ lại như một bộ tư liệu, để đến một lúc nào đó phục vụ cho công việc trùng tu.
Hình ảnh đình Tiền Lệ được lưu bằng công nghệ 3D.
Đình Tiền Lệ, thuộc thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội, còn giữ được gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Đình được nhóm VR3D (Virtual Reality 3D - Thực tế ảo 3D) số hóa toàn bộ kiến trúc cũng như các chi tiết trang trí của đình. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3D vào bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích của Nguyễn Trí Quang, một bạn trẻ ở Hà Nội. Đình là công trình cổ đầu tiên được quét 3D và lưu giữ tư liệu, và cũng là công trình đầu tiên Quang thực hiện.
Ở một số làng quê khác, có những bạn trẻ cặm cụi dùng điện thoại, máy ảnh ghi lại những hình ảnh, chi tiết của đình, đền ở làng mình, để sau này có sửa sang, phục dựng thì có đầy đủ tư liệu để căn cứ vào đó mà làm. Nhiều di tích trong số đó chưa được xếp hạng, nhưng bằng tình yêu đối với vốn cổ của cha ông, các bạn trẻ vẫn lưu giữ lại tư liệu tự xây dựng với mong muốn sẽ giữ lại cho các thế hệ sau này.
Tuy nhiên, những công việc này vẫn chỉ là sự tự phát từ các cá nhân. Rất cần có sự tham gia, vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý, để tránh những sự cố như đình Lương Xá, đình Văn Xá, bia Sùng Thiện Diên Linh, thậm chí chùa Bối Khê, chùa Trăm Gian và rất nhiều di tích khác bị âm thầm “sửa hỏng” mà chưa bị phát hiện.