Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích gieo cấy lúa hàng năm khoảng 54,5 ngàn ha. Nếu mỗi ha cho 04 tấn rơm khôthì lượng rơm khô máy gặt thải trên đồng ước khoảng 218.000 tấn, chưa tính gốc rạ.
Ngoài một lượng rơm nhỏ không đáng kể được bà con nông dân thu gom để nuôi gia súc, che phủ cây trồng, làm nấm, còn lại phần lớn được đốt ngay trên đồng; điều này gây ra những tác hại to lớn đến môi trường, sức khỏe con người cũng như gây lãng phí.
Từ tình hình thực tế và xuất phát nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năm 2019 Trung tâmKhuyến nông Thừa Thiên Huế đã thực hiện mô hình “ Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường”
Mô hình được thực hiện tại 1 hộ nông dân thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền có nhu cầu nhu cầu rơm làm thức ăn cho trâu bò, độn chuồng và che phủ trồng cây trồng với lượng khoảng 55- 60 tấn rơm khô/năm. Về lâu dài, chủ hộ còn có hướng làm dịch vụ thu gom rơm cho các hộ khác trong vùng
Loại máy cuốn rơm đưa vào mô hình là MRB 0850B, công suất cuốn rơm 80-120 cuộn/giờ, Kích thước cuộn rơm: đường kính 50cm x dài 70cm, tốc độ di chuyển khi làm việc: 3-5 Km/h. Máy cuộn rơm được lắp vào máy kéo Kubota 4202 khi vận hành.
Bước đầu cho thấy máy cuốn rơm hoạt động có hiệu quả và phù hợp với đồng ruộng và điều kiện canh tác tại địa phường.
Trong vụ Hè Thu 2019 đã vận hành thu gom 4.000 cuộn rơm, trong đó hộ mô hình dự trữ 2.500 cuộn để sử dụng và thu gom dịch vụ cho các hộ khác 1.500 cuộn, mỗi cuộn rơm nặng từ 15-20kg tùy theo độ ẩm khi thu gom.
Giá thành 1 cuộn rơm thu gom bằng máy khoảng 9.300 đồng, tương ứng 1 tấn rơm có giá thành 500.000 đồng. Giá thành này chưa tính kinh phí mua đồng, do trong vụ đầu các chủ ruộng cho thu gom.
So với thu gom thủ công, mỗi công thu được khoảng 300kg rơm. Giá thành một tấn rơm khoảng 665.000 đồng. Như vậy so với thu gom thủ công, sử dụng máy cuốn rơm tiết kiệm chi phí 165.000đồng/tấn (tương ứng 2.970đồng/cuộn).
Thu gom rơm thủ công còn tốn nhiều chi phí khác như phí bốc xếp, vận chuyển cao hơn, khó bảo quản và tốn công tháo dỡ khi sử dụng, vận chuyển rơm dễ rơi vãi dọc đường mất vệ sinh…, chưa kể thời gian thu gom thường rất ngắn trong điều kiện căng thẳng lao động khi mùa vụ.
Ngoài lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm cònhạn chế đốt đồng; giảm lượng rơm phơitrên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn.
Để việc đầu tư máy cuốn rơm có hiệu quả cần lưu ý ưu tiên triển khai cho những vùng trọng điểm sản xuất lúa, quy mô diện tích lớn, tập trung và có nhu cầu sử dụng rơm. Hộ thực hiện có điều kiện kinh tế, có sẳn máy kéo, phương tiện vận chuyển và đặc biệt là nhân lực để thu gom rơm liên tục trong thời gian ngắn và kịp thời để rơm đảm bảo chất lượng.
Rơm rạ thay vì đốt bỏ làm ô nhiễm môi trường cần được thu gom bằng máy với chi phí rẻ để sử dụng chăn nuôi trâu bò; làm nấm rơm; che phủ đất để trồng cây; chế biến phân hữu cơ nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Đề nghị các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, đặc biệt các Hợp tác xã nông nghiệp nên xem xét tính phù hợp và hiệu quả với địa phương để triển khai đầu tư mô hình này./.