Đã có 90% dân số tham gia BHYT.
Ngành Bảo hiểm xã hội qua 25 năm xây dựng và trưởng thành (1995-2020) đã có bước tiến vượt bậc trong sự nghiệp đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, trong đó có thành tựu của chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), số người tham gia tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 85,945 triệu người vào cuối năm 2019 (tăng hơn 12 lần, bình quân mỗi năm tăng 48%). Đến nay, BHYT đã đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Trong đó, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Hiện chỉ còn khoảng 10% dân số (khoảng 10 triệu người) chưa có BHYT, thuộc nhóm hộ gia đình làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và sinh viên.
Người tham gia BHYT ngày càng có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận dịch vụ y tế. Số lượt người được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm. Năm 2009 có 92,1 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT (85,8 triệu lượt khám bệnh ngoại trú, 6,3 triệu lượt điều trị nội trú), đến năm 2019 tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Đến nay qua 25 năm, có trên 1.500 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, với số tiền trên 475 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 33,1%. Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, năm 2009 là 15,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 970 triệu USD), đến năm 2019 đã tăng lên hơn gấp 6 lần với số tiền trên 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD).
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức, như tỷ lệ tham gia BHYT cao nhưng thiếu bền vững; diễn biến bệnh tật ngày càng phức tạp, gia tăng bệnh mãn tính không lây có chi phí điều trị chăm sóc cao và vấn đề già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Tỷ lệ chi của hộ gia đình cho chi tiêu y tế còn cao so với kỳ vọng. Chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và còn khác biệt giữa các tuyến trong hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh...
Theo Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Phạm Lương Sơn, thời gian tới, Ngành BHXH sẽ đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia, nhất là người tham gia BHYT hộ gia đình; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHYT cho người tham gia; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở T.Ư, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHYT; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT; kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHYT; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHYT.
BHYT đã bao phủ 90% dân số, quyền lợi của người tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế được đảm bảo và ngày càng mở rộng. Điều này chứng tỏ chính sách, pháp luật về BHYT đã đi vào cuộc sống, trở thành một nhu cầu trong đời sống xã hội.