Kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh
Báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cho biết, tính đến 11 giờ ngày 18-3, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lấy mẫu xét nghiệm 93 người; trong đó, có hai trường hợp dương tính với Covid-19 (BN số 30 và 49); 80 người âm tính và 11 người đang chờ kết quả. Số lượng bệnh nhân dương tính với Covid-19 đang điều trị tại cơ sở hai Bệnh viện T.Ư Huế là bốn người (trong đó có hai bệnh nhân được đưa từ Quảng Nam ra điều trị). Số lượng được cách ly y tế tại cơ sở hai Bệnh viện T.Ư Huế bảy người; số lượng cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh 17 người; số lượng cách ly tập trung tại Khu nghỉ dưỡng Sun & Sea Resort (huyện Phú Vang) 48 người; cách ly tại các sơ sở y tế cấp huyện 16 người; số lượng giám sát tại nơi cư trú 354 người. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã trao quyết định cho 10 trường hợp người nước ngoài hoàn thành thời gian cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh để trở về nước.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung gồm: Trường Quân sự tỉnh có khả năng thu dung 250 người; Trung tâm huấn luyện của Trung đoàn 176 có khả năng thu dung 200 người; Khu nghỉ dưỡng Sun & Sea có khả năng thu dung 100 người; Trường Cao đẳng nghề 23 - Bộ Quốc phòng có khả năng thu dung 400 người; Khu chung cư Hương Sơ (TP Huế) với hai block có khả năng thu dung 200 người; Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - Đại học Huế (thị xã Hương Thuỷ) sẽ thu dung 300 người. Đối với việc xét nghiệm Covid-19, hiện mỗi ngày Bệnh viện T.Ư Huế có thể xét nghiệm gần 100 mẫu bệnh phẩm; hiện đang triển khai các giải pháp nâng cao quy mô xét nghiệm, phấn đấu đáp ứng trên 300 mẫu/ngày.
Đới với công tác tuyên truyền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cung cấp kịp thời, minh bạch thông tin, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức cung cấp thông cáo báo chí hai lần trong ngày để thông tin kịp thời đến với mọi người, trấn an tâm lý người dân; chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Thông tin Truyền thông và các đơn vị liên quan kịp thời phát hiện và xử lý nhiều trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội, quảng cáo sai sự thật gây hoang mang dư luận...
Chủ động nhiều giải pháp, giám sát dịch bệnh
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, thực hiện phương châm "chống dịch như chống giặc”, ngay từ những ngày đầu triển khai công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã bám sát việc chủ động phát hiện, cách ly kịp thời và ngăn chặt triệt để dịch bệnh lây lan. "Sở chỉ huy tiền phương" tại trụ sở UBND tỉnh đã hoạt động hiệu quả. Vào 7 giờ 15 phút hằng ngày, tỉnh tổ chức họp giao ban trực tuyến với các địa phương để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, công việc mới phát sinh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kê khai y tế toàn dân; tập trung rà soát, giám sát, nắm chắc các trường hợp có yếu tố dịch tễ theo quy định ngay từ cơ sở; quyết định tạm dừng kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, massage, rạp chiếu phim, điểm cung cấp trò chơi điện tử, nơi tập trung đông người; tạm thời không đón khách vào tham quan tại các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; vận động người dân tổ chức cưới hỏi trong phạm vi gia đình, phù hợp nghi lễ truyền thống; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức dạy học qua sóng truyền hình cho học sinh lớp 12 và lớp 9.
Tỉnh cũng đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trước ảnh hưởng của dịch COVID-19; có phương án đối với các lao động trở về địa phương, lao động thất nghiệp. Hiện, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và các địa phương có phương án chốt chặn, giám sát, kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhất là các tuyến cửa ngõ trọng yếu, nhà ga, sân bay, bến xe.
Ủng hộ xét nghiệm lần hai cho đối tượng “F1”
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế cho rằng, Việt Nam đã bước vào giai đoạn hai cuộc chiến phòng dịch Covid-19 từ ngày 6-3, khi tiếp tục ghi nhận ca bệnh số 17. Hệ thống chính trị cả nước tiếp tục cuộc chiến này với tâm thế quyết liệt hơn, khó khăn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, cũng có nhiều thay đổi về chính sách, chủ trương của Nhà nước so với trước đó, thuận lợi trong việc cung ứng các nguồn lực, trang thiết bị cho công tác chống dịch Covid-19.
Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao việc chủ động, vào cuộc phòng, chống dịch rất quyết liệt của hệ thống chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Thứ trưởng ấn tượng với các biện pháp của tỉnh, như kích hoạt "sở chỉ huy tiền phương"; là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng Khu nghỉ dưỡng Sun & Sea để làm khu cách ly cho du khách nước ngoài; đảm bảo đủ lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu của người dân...
Thứ trưởng Y tế cho rằng, dịch Covid-19 đang có diễn biến nhanh, cần phải tăng tốc độ để ứng phó. Các địa phương phải chủ động trọng việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ việc cách ly và tổ chức điều trị; phân loại các nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao như người già, người có bệnh nền, người dễ bị lây nhiễm, người khuyết tật, yếu thế… để theo dõi y tế tại cơ sở; tăng cường tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ. Tiếp tục kiên trì thực hiện các nguyên tắc: Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.
Liên quan đến chế độ phụ cấp cho những người tham gia chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm số tiền hỗ trợ cho người tham gia phòng dịch. Đồng thời, đối tượng được hưởng không riêng ngành y tế, mà bao gồm cả người làm việc trong các khu vực cách ly tập trung, những người tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng “F1”. Hiện nay, ngành y tế đang quan tâm các công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, trang thiết bị… để đáp ứng yêu cầu chống dịch trong tình hình mới. Nếu Thừa Thiên Huế có nhu cầu về khẩu trang y tế, khẩu trang N95, trang phục bảo hộ… thì cần chủ động đề xuất để Bộ Y tế tổng hợp.
Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trường Nguyễn Trường Sơn cho rằng, đây là những đề xuất hợp lý nhằm giúp công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Bộ y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để sớm có những văn bản hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho các địa phương để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, đối với đề xuất của tỉnh trong việc thực hiện xét nghiệm lần hai cho đối tượng “F1” ngay trước khi hoàn thành thời gian cách ly, Thứ trưởng Y tế hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích áp dụng tại Thừa Thiên Huế. Thứ trưởng cho rằng, từ tình hình thực tiễn thời gian qua, việc xét nghiệm lần hai cho các đối tượng “F1” sẽ được triển khai rộng rãi hơn đối với các địa phương khác. Thứ trưởng cũng đồng ý đề xuất triển khai thêm một cơ sở xét nghiệm Covid-19 cho địa phương. Theo đó, nhằm tăng thêm năng lực xét nghiệm Covid-19, bên cạnh cơ sở xét nghiệm của Bệnh viện T.Ư Huế, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế sẽ thống nhất đề xuất của tỉnh hỗ trợ tăng cường trang thiết bị, bộ test kit… để triển khai thêm cơ sở xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Trường Đại học Y - Dược Huế.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra tình hình cách ly cũng như khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại cơ sở hai Bệnh viện T.Ư Huế (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).