Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều, nhân viên kiểm soát Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Nam Du, có hơn 28 năm công tác ở vùng biển Tây Nam. Với chừng ấy năm, từ khi còn là chiến sĩ đến nay mang quân hàm Trung tá, anh Nhiều không nhớ đã bao lần trực tiếp chỉ huy hoặc tham gia nhóm cứu hộ, cứu nạn (CHCN) giúp bà con ngư dân đi biển gặp nạn. Trung bình mỗi năm, anh tham gia từ 5 đến 6 vụ tìm kiếm, CHCN, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. “Nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi là kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hành lý và hàng hóa qua lại, ra vào khu vực do đơn vị quản lý. Nhưng đóng quân ở địa bàn biển đảo, cách xa đất liền nên nhiệm vụ CHCN, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân cũng luôn được cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Nam Du chú trọng”, Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều cho hay.
Trung tá Đoàn Ngọc Giang, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du chia sẻ thêm về điều này: “Thường xuyên cắm chốt ở trạm nên đồng chí Nhiều giống như “tai, mắt” của đồn. Trạm nằm ngay cầu cảng Nam Du, cửa ngõ dẫn vào hòn đảo, cũng là nơi tàu thuyền tấp nập ra vào, đông người qua lại nên công việc của nhân viên kiểm soát luôn bận rộn". Sải những bước chân cùng Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều trên cầu cảng Nam Du, gặp ai anh Nhiều cũng chào hỏi, bắt tay… Những lời chào anh Nhiều, chào bác Nhiều, chú Nhiều… cứ liên hồi. Chúng tôi nói vui: “Anh Nhiều như người của công chúng ở đảo Nam Du ấy nhỉ!”.
|
Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều tận tình giúp đỡ người dân trên cầu cảng Nam Du. |
Phần lớn ngư dân trên đảo Nam Du đều có số điện thoại của anh Nhiều để báo tin khi cần thiết, bởi anh chẳng nề hà thời gian nào, cứ có thông tin do người dân cung cấp là anh báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của chỉ huy đơn vị. Chẳng thế mà cán bộ, chỉ huy đơn vị khẳng định: Có đồng chí Nhiều tham gia tổ công tác CHCN chúng tôi rất yên tâm. Vì không chỉ nắm chắc tình hình mà đồng chí còn được nhân dân tin tưởng, quý mến, bởi vậy bà con luôn tạo mọi điều kiện để đơn vị hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Ngoài ra, mỗi lần tham gia các nhóm tìm kiếm, CHCN do Đồn Biên phòng Nam Du phối hợp với lực lượng tổ chức, anh Nhiều thường được giao nhiệm vụ quan trọng như xác định hướng tàu kẹt, tính lượng gió, chiều nước chảy. Bởi, anh có rất nhiều kinh nghiệm và nắm chắc điều kiện thực tế. Hồi tháng 3-2019, Đồn Biên phòng Nam Du đã cấp cứu, hỗ trợ kịp thời 8 ngư dân trên tàu cá KG 92377.TS bị mắc kẹt ở bãi đá ngầm, có nguy cơ bị lật. Trung tá Đoàn Ngọc Giang trực tiếp chỉ huy tổ công tác khi đó cho biết: "Đồng chí Nhiều là một trong những thành viên tích cực, tham mưu cho chỉ huy tổ công tác đưa ra những quyết định kịp thời, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện".
“Mệnh lệnh từ trái tim”
Không biết duyên thế nào, Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều sinh đúng ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng (ngày 3-3). Trước khi công tác ở đảo Nam Du, anh có một năm làm nhiệm vụ ở đảo Hòn Đốc và trải qua nhiều công việc khác nhau. Với Nam Du, anh xem đây là quê hương thứ hai của mình, vì ở đó có vợ và hai con. Ngôi nhà nhỏ như chất keo để anh yên tâm gắn bó với đảo, với công việc của mình. Chẳng thế mà khi nghe anh kể chuyện về công việc, điều dễ cảm nhận là tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ biên phòng. Anh Nhiều cười hiền khi trả lời câu hỏi của chúng tôi: "Điều gì khiến anh gắn bó gần 30 năm với hòn đảo xa xôi, ít người biết này". “Không yêu đời binh nghiệp, không gắn bó với người dân nơi đây chắc cũng khó cống hiến và gắn bó chừng ấy năm với đảo. Trong nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ CHCN bằng mọi giá phải hoàn thành, trách nhiệm thôi chưa đủ mà phải làm bằng cả cái tâm của mình nữa”.
Nói đến đây, anh Nhiều kể một kỷ niệm khó quên khi tham gia cứu 4 ngư dân bị chìm tàu và trôi dạt trên biển năm 2013. Nỗ lực hơn một ngày vẫn chưa có thông tin về 4 nạn nhân, cả tổ buồn bã trở về vì trời đã tối nên hạn chế tầm nhìn, điều kiện thời tiết phức tạp, không an toàn cho tổ tìm kiếm. Vừa bước chân về đến đơn vị, gia đình các nạn nhân kéo tới gào khóc, cầu xin được giúp đỡ tìm kiếm thân nhân mất tích. Thế là cả đêm hôm đó, anh và các thành viên tổ công tác không tài nào ngủ được. Hy vọng tìm được 4 ngư dân vẫn còn vì theo thông tin các anh nhận được: 4 nạn nhân vẫn còn sống sót nhờ đu được trên một chiếc bè. Cả tổ lại ra khơi vào ngày hôm sau tiếp tục tìm kiếm với quyết tâm cao nhất. Tiên lượng tình hình và phán đoán điều kiện thời tiết, anh Nhiều quyết định đề nghị Ban chỉ huy đồn trưng dụng một con tàu đánh cá cỡ lớn của ngư dân để tham gia tìm kiếm nhằm bảo đảm an toàn cho các lực lượng. Kết quả, sau nhiều giờ vật lộn với sóng, với gió, các anh đã cứu được 4 ngư dân trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. “Đối với chúng tôi, cứu người luôn là mệnh lệnh trái tim. Sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân luôn là nguồn động viên, khích lệ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, anh Nhiều chia sẻ.
Thắt chặt "thế trận lòng dân"
Nam Du mấy năm gần đây nổi lên là điểm đến thu hút khách du lịch nhờ sự ưu ái của thiên nhiên phong cảnh hữu tình. Nam Du được ví như “vịnh Hạ Long” của phương Nam. Nhưng cũng vì thế, công tác quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh-trật tự cũng trở nên phức tạp hơn do tội phạm, nhất là tình trạng trộm cắp gia tăng. Trước đây, tình hình phức tạp chủ yếu ở vùng biển phía Tây Nam, do ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản thì nay hiện tượng này hầu như không còn. Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều cùng cán bộ, chiến sĩ trạm kiểm soát thường xuyên bám nắm địa bàn, tham mưu cho Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Nam Du, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang làm tốt công tác chuyên môn, trực tiếp tham gia tuần tra kiểm soát giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Được bà con tin tưởng là cơ sở rất quan trọng để đơn vị thực hiện nhiệm vụ, vì họ sẽ cung cấp nhiều thông tin giúp BĐBP quản lý địa bàn, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Năm 2016, nhờ nhiều nguồn tin từ quần chúng cung cấp, anh Nhiều đã tham gia tổ công tác truy bắt và tóm gọn 3 ngư phủ giết người, ném xác phi tang xuống biển rồi bỏ trốn.
Vùng biển quanh quần đảo Nam Du mỗi năm thêm đông đúc tàu thuyền qua lại, nhất là tàu hậu cần, chở khách từ đất liền ra Thổ Châu, Phú Quốc. Mật độ tàu thuyền đông nên dễ xảy ra tai nạn, vì vậy nhiệm vụ của trạm kiểm soát rất quan trọng. Không chỉ bảo đảm trật tự, an ninh tại địa bàn, tiếp nhận và xử lý thông tin, cán bộ và nhân viên kiểm soát như Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều còn luôn xác định tâm thế sẵn sàng tham gia CHCN trên biển. Sự có mặt kịp thời để cứu ngư dân khi họ đang ở giữa sự sống và cái chết luôn để lại sự cảm kích và tin tưởng của người dân đối với cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng quân trên đảo.
Cũng như những cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, Trung tá QNCN Lê Văn Nhiều cùng đồng chí, đồng đội của mình đã giúp ngư dân yên tâm bám biển, tạo tình cảm quân dân thắm thiết, góp phần thắt chặt "thế trận lòng dân", xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trên biển, đảo quê hương.