Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Gặp lại thân nhân liệt sĩ Rào Trăng
Ngày cập nhật 13/10/2021

Tròn 1 năm các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3, nỗi đau vẫn còn đó. Tuy nhiên, sự quan tâm, động viên kịp thời của Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền đã phần nào an ủi giúp thân nhân các liệt sĩ nguôi ngoai phần nào.

Vơi bớt nỗi đau từ sự quan tâm của Nhà nước

Những ngày này, miền Trung liên tục đổ mưa nên ông Nguyễn Kim Anh (ngụ xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An) vội đi mua ít tấm nhựa về gia cố lại mái nhà. Gần một năm nay, cứ mỗi khi mưa bão về, đêm nằm nghe mưa rơi là ông không thể chợp mắt được. Cơn bão tháng 10 năm ngoái đã cướp mất của ông người con trai yêu quý, Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng C6, D2, Lữ đoàn Thông tin 80, Bộ Tư lệnh QK4.

Cách đây tròn năm, ngày 13/10/2020, đoàn cán bộ 21 chiến sỹ QK4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế trong khi hành quân vào cứu hộ vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng đã mãi mãi nằm xuống ở cánh rừng thuộc Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Đêm hôm đó, khi đoàn cán bộ, chiến sỹ nghỉ chân sau một ngày dài bì bõm trong cơn mưa rừng xối xả, cả núi đất đá đã ập xuống…

Thiếu tá Cường sinh ra trong gia đình quân ngũ, có ông nội, bố mẹ đều từng là bộ đội. Nối nghiệp truyền thống gia đình, ngay từ nhỏ Cường đã nuôi ước mơ người lính. Ông Anh tự hào kể về con trai: “Cường luôn được thủ trưởng đơn vị khen ngợi bởi chuyên môn giỏi, ham học hỏi, sống trách nhiệm, nghĩa tình”.

Đột ngột mất đi đứa con yêu quý, niềm tự hào của gia đình, ông Anh gục ngã, rồi cố gượng dậy để làm chỗ dựa cho vợ và con dâu. Vợ ông, bà Đinh Thị Thu là người dễ xúc động nên hễ ai nhắc đến con trai mình, lại khóc. Bà dành nhiều thời gian tâm tình với con dâu, chị Nguyễn Thị Hà, chỉ mới nếm trải hạnh phúc lứa đôi vỏn vẹn 8 tháng thì trở thành góa phụ.

Ông Anh trầm ngâm: “Giá như Cường để lại đứa con cho Hà đỡ cô quạnh, vò võ. Nhiều khi nhìn con dâu, chúng tôi cũng thương lắm... Hà còn trẻ, không thể ở một mình mãi. Vợ chồng tôi xác định, sau này Hà không làm con dâu thì cũng làm con gái của chúng tôi”.

Mất con là nỗi đau không gì bù đắp, nhưng ông Anh cho hay, khi con trai ông nằm xuống, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội, chính quyền và nhân dân cả nước đã bên cạnh, động viên, chia sẻ với gia đình, giúp an ủi phần nào. “Có nhiều người chúng tôi chưa từng gặp, không quen biết cũng ghé nhà thắp nén hương cho Cường, chia buồn cùng gia đình. QK4, Tỉnh đội... hết sức quan tâm, thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của gia đình”, ông chia sẻ.

“Tôi mất đi con trai, nhưng có thêm nhiều đứa con khác”

Ở một gia đình khác, từ ngày chồng là liệt sĩ Đinh Văn Trung - Đài trưởng 15W, C6, D2, Lữ đoàn Thông tin 80, QK4 hy sinh, chị Nguyễn Thị Anh từ đó một mình nuôi 2 con thơ.

Mới đây, khi Đoàn công tác Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đến thắp nhang cho liệt sĩ Trung nhân ngày truyến thống lực lượng vũ trang QK4, nhìn những người lính, ông Đinh Văn Đống (SN 1948, ngụ phường Bến Thủy, TP Vinh), lại rưng rưng.

Nhớ lại ngày cuối cùng con trai ở với gia đình, ông Đống kể: “Hôm ấy là Chủ nhật, Trung đang nấu cơm trưa thì điện thoại đổ chuông. Sau khi nghe điện thoại, Trung nói phải lên đơn vị gấp. Tôi hỏi “lát có quay về ăn cơm trưa không?”, Trung nói bố mẹ ăn cơm đi, đơn vị có việc gấp. Rồi Trung đi luôn....”.

Suốt một năm nay, đồng đội của anh Trung vẫn thường xuyên qua nhà thăm hỏi. Đó là niềm an ủi lớn nhất của ông Đống. Ông nghẹn ngào: “Tôi mất đi đứa con trai, nhưng có thêm nhiều đứa con khác”.

Nỗi đau của ông cũng được an ủi, nguôi ngoai đi phần nào trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Ông nói, chính những sự quan tâm, động viên, khích lệ ấy đã tiếp thêm động lực để ông và gia đình vượt qua nỗi đau..

Thời điểm con trai hy sinh, hai cháu nội ông đứa lên 4, đứa mới 8 tháng tuổi. Khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng thông báo sẽ tuyển dụng vợ con liệt sĩ vào công tác trong ngành quân đội, ông Đống như cởi được tảng đá đè nặng trong lòng.

Nén nỗi đau, chị Anh vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi dạy hai con nhỏ, vừa thay chồng làm tròn chữ hiếu với cha mẹ già. Tháng 12/2020, chị Anh chính thức gia nhập quân ngũ, làm lính quân bưu. Lần đầu khoác trên mình bộ quân phục, chị vừa bồi hồi xúc động, vừa thấy gần gũi thân thuộc.

Làm quen với công việc mới đòi hỏi cao về kỷ luật, tác phong, Thiếu úy Anh ban đầu gặp không ít khó khăn; nhưng luôn được thủ trưởng, đồng đội tận tình chỉ bảo; chị nhanh chóng bắt nhịp được với công việc, nhiệm vụ mới.

Ôm con vào lòng, chị nói: “Từ khi bước chân vào quân ngũ, tôi thấy thấm thía hơn vất vả, gian khổ mà những người lính trải qua. Bởi vậy, mỗi khi khó khăn trong công việc, tôi đều tự dặn mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để làm chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ chồng, các con”.

Chiều muộn, cậu con trai gần 5 tuổi của liệt sĩ Trung dắt xe ra ngõ đạp mấy vòng. Nhìn cháu nội, ông Đống nói: “Ngày trước Trung có dự định tập xe đạp cho con mà chưa làm được. Nay con đã tự đạp xe được rồi, chắc ở nơi nào đó Trung mừng lắm...”. (baophapluat.vn 13/10)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 2.376.995
Truy cập hiện tại 1.255