Không chỉ phổ biến trong các nhà hàng, quán bar, thời gian gần đây tình trạng người dân tự thuê các thiết bị hát karaoke với loa xách tay có công suất lớn. Nhiều hộ gia đình có sở thích tụ tập bạn bè hát karaoke tại nhà, trong khu dân cư, gây ồn quá mức quy định, nhất là lúc đêm khuya.
Trong chúng ta có ai không ít nhất một lần trong những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ… bị tiếng nhạc karaoke bên hàng xóm làm chói tai, nhăn mặt. Việc lạm dụng loa “kẹo kéo” ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, sức khỏe của cộng đồng dân cư và gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Từ bao giờ loa “kẹo kéo” đã trở thành trào lưu trong những cuộc vui tụ tập bạn bè, sinh nhật, ngày nghỉ, lễ, kể cả ngày thường hay giỗ chạp? Thanh niên hát, trẻ con, người già cũng hát… Hát chán trong nhà thì kéo nhau cùng với dàn âm thanh hết cỡ ra trước cửa nhà và thoải mái hát hò, hứng chí lên thì nhảy múa, phá làng phá xóm.
Người hát thì chỉ cần thỏa mãn, bất cần quan tâm giọng hát hay dở, bài hát vui hay buồn, thái độ, tinh thần của những hộ gia đình xung quanh. Nhiều gia đình hát karaoke như cơm bữa, nghĩa là ngày nào cũng hát. Hàng xóm thì bị tra tấn hết ngày này qua ngày khác.
Ở nhiều vùng quê, do tình thân hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” mà họ nhẫn nhịn chịu đựng. Tuy nhiên, đã xảy ra những mâu thuẫn, xô xát do tình trạng hát karaoke liên tục, mở loa công suất lớn gây ồn ào, mệt mỏi và ức chế cho hàng xóm. Thậm chí, đỉnh điểm là nhiều vụ án mạng xảy ra.
Đơn cử: Vụ án mạng đau lòng xảy ra vào khoảng 11h45 ngày 28/3/2019 tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Nạn nhân là ông Nguyễn Minh Phước (49 tuổi, trú xã Thái Yên). Trước đó, ông Phước cùng một vài người bạn sau khi nhậu xong rủ nhau về nhà ông Thành (trú xã Thái yên) hát karaoke.
Nghe hàng xóm hát quá to nên không thể nghỉ trưa, ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi, cạnh nhà ông Thành) đi qua nhắc nhở. Tại đây hai bên lời qua tiếng lại nhưng được mọi người can ngăn nên ông Lộc ra về. Bực tức vì nhắc nhở nhưng không nghe, người đàn ông 59 tuổi xách 3 con dao quay lại nhà hàng xóm để "nói chuyện". Thấy ông Phước đang đứng gần cổng, ông Lộc rút dao đâm người này gục tại chỗ. Phát hiện sự việc người dân đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
Ngày 4/3/2019, cũng vì mâu thuẫn trong lúc hát karaoke, Dương Văn Lợi (39 tuổi, ngụ ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã lấy dao đâm làm một người trong nhóm hát bị thương và tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Lợi cũng bị nhóm hát karaoke chém trọng thương. Nguyên nhân là do sau khi hát xong Lợi về nhà trước, nhóm hát vẫn tiếp tục. Bực tức vì ồn ào, Lợi quay lại yêu cầu nhóm bạn quay loa sang hướng khác không được và án mạng đã xảy ra.
Còn nhiều vụ việc đau lòng khác cũng do karaoke “xóm” gây ra không thể kể hết ra đây…
Theo quy định hiện hành, hành vi hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến nhà hàng xóm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 26/2010/BTNMTquy định về tiếng ồn trong biểu diễn văn nghệ hoặc có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh tại khu vực thông thường, có con người sinh sống là 70dBA từ 6h đến 21h và 55dBA từ 21h đến 6h. Nếu vi phạm quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức xử phạt với các cá nhân từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng nếu tiếng ồn vượt quá mức quy định từ 40dBA trở lên. Riêng các tổ chức, mức phạt sẽ tăng gấp đôi so với mức xử phạt đối với cá nhân.
Mặc dù quy định ghi rõ thẩm quyền ra quyết định xử phạt là chủ tịch UBND phường, xã, nhưng khi hành vi vi phạm xảy ra chính quyền địa phương không có phương tiện đo độ ồn và như vậy, không có căn cứ khoa học để xử lý…
Chính vì vậy, vấn nạn karaoke vẫn tiếp diễn với những hậu quả khôn lường.