Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Chính sách hỗ trợ người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 30/09/2021

Ngày 28/7/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân; đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; thường xuyên rà soát, cập nhập, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn và giảm tối đa các thủ tục hành chính khi thực hiện nhiệm vụ này.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ đã được thực hiện từ sớm. Tuy nhiên, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, được quy định tại điểm 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ: “Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương”. Tại tiết c, điểm 8, Mục III Nghị quyết số 68/NQ-CP phần Tổ chức thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ theo quy định tại điểm 12, Mục II Nghị quyết này từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác”. Như vậy, trách nhiệm thực hiện và triển khai điểm 12, Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, xét về tính chất phức tạp khi xác định các đối tượng lao động tự do, các đối tượng khó khăn khác cần được hỗ trợ và nguồn kinh phí rất lớn phải chi trả từ phía địa phương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện chính sách.

Ngày 26 tháng 8 năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-HĐND về “Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Đối tượng lao động tự do được xác định để hỗ trợ bao gồm: (1) Người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cần được hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; người lao động làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch; (2) Người lao động bị ảnh hưởng bởi các quyết định hoặc chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Người lao động (hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp) sống tại các vùng bị áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách, cách ly tạm thời; người lao động tự làm hoặc làm việc tại các ngành nghề, lĩnh vực bị tạm dừng hoạt động; người lao động tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A; (3) Đối tượng đặc thù khác: Đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

 Tất cả các đối tượng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/một lần, đối với hộ nghèo là 1,5 triệu đồng/hộ/một lần, chỉ hỗ trợ một lần duy nhất. Riêng đối với người lao động tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A do ảnh hưởng của nhiều đợt thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền nên được ưu tiên hỗ trợ 2 triệu đồng/người/một lần. Điều kiện hỗ trợ: các đối tượng lao động phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế, bị mất việc làm, có thu nhập thấp trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Mặc dù dịch bệnh tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến thời điểm ban hành Nghị quyết cơ bản đã được khống chế, người dân một số nơi vẫn tiếp tục làm việc, tuy nhiên, các đối tượng yếu thế được quy định như người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động vẫn chịu nhiều tác động của dịch bệnh, khó khăn trong mưu sinh cuộc sống. Đối tượng này theo thống kê của UBND tỉnh, số lượng dự kiến là 23.570 người, kinh phí để chi trả là 36.300 triệu đồng.

 Đối tượng là người lao động làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch, từ ngày xuất hiện dịch bệnh, việc lưu trú, du lịch đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, những người lao động làm thuê trong lĩnh vực này đã thất nghiệp từ sớm; số lượng dự kiến của đối tượng này là 1.800 người, kinh phí để chi trả khoảng 2.700 triệu đồng.

Các đối tượng đặc thù khác trên địa bàn toàn tỉnh được xác định bao gồm: đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập và các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, đây cũng là những đối tượng yếu thế, đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Các đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, lâu nay duy trì cuộc sống nhờ sự giúp đỡ, viện trợ từ các nguồn xã hội hóa, các nhà tài trợ, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh bị chi phối bởi nhiều yếu tố, sự quan tâm đến đối tượng này không còn như trước, do đó các nhu cầu, chi phí sinh hoạt của đối tượng này vô cùng khó khăn, cần sự hỗ trợ từ chính quyền. Đối tượng này trên địa bàn toàn tỉnh chỉ 940 người, đang được nuôi dưỡng tại 21 cơ sở, kinh phí dự kiến hỗ trợ 1.410 triệu đồng. Hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội cũng là một đối tượng yếu thế. Hộ nghèo có ít nhất một thành viên là đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, các thành viên khác không lao động được, sẽ được xác định là hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội. Khi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dịch bệnh bùng phát, việc nuôi dưỡng một đối tượng bảo trợ xã hội trong một gia đình hộ nghèo không thể lao động là một gánh nặng, do vậy, đối tượng này rất cần được chú ý, cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Theo thống kê, đối tượng này trên địa bàn toàn tỉnh là 4.873 hộ, kinh phí thực hiện dự kiến 7.309 triệu đồng.

Bên cạnh các đối tượng yếu thế, đối tượng bị ảnh hưởng theo quyết định để phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 cũng đã được quy định trong Nghị quyết, dự kiến khoảng 9.370 đối tượng, kinh phí chi trả 15.000 triệu đồng. Đối tượng này sẽ còn tăng thêm khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến xấu. Tổng nguồn kinh phí để thực hiện việc chi trả cho các đối tượng lao động tự do và các đối tượng đặc thù khác khoảng 45.019 triệu đồng.

Mặc dù Nghị quyết ban hành đáp ứng sự mong đợi của toàn thể nhân dân lao động, đặc biệt là những người lao động yếu thế, tuy nhiên cũng gặp một số khó khăn nhất định:

Một là, việc xác định đối tượng trong vùng bị áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền như đối tượng lao động phi nông nghiệp còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, gây khó khăn cho việc xác định đối tượng tại địa phương. Vì vậy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai và chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, trong đó chú trọng đến việc xác định rõ từng đối tượng cụ thể, thực hiện việc chi trả đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

Hai là, trong tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng do biến chủng viruts mới, đối tượng bị tác động ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại các vùng áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, việc xác định rõ đối tượng, đảm bảo chi trả đúng, đủ, không bỏ sót đối tượng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; sự đồng lòng, đồng sức của các cấp chính quyền. Đặc biệt là sự hướng dẫn thực hiện chính sách, cách thức chi trả chế độ, phân định rõ đối tượng được chi trả… nhiệm vụ này cần đến năng lực của đội ngũ cán bộ lao động, thương binh, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ này tại địa phương đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, nhưng lại thiếu về số lượng, công việc thường xuyên thay đổi, vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền để đội ngũ này thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.  

Ba là, nguồn kinh phí thực hiện chính sách được huy động từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, Quỹ dự trữ tài chính; huy động từ nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện (không gồm cấp xã) và các nguồn huy động hợp pháp khác. Ngân sách tỉnh đảm bảo 75% nguồn kinh phí và ngân sách huyện đảm bảo 25%. Tuy nhiên, một số địa phương cấp huyện, nguồn ngân sách dự phòng không còn nhiều, ngoài chi phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, ngân sách các địa phương còn cần chi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng ở địa phương, đặc biệt khi mua mưa bão sắp đến nên việc chi trả chế độ cho các đối tượng lao động tự do gây nhiều áp lực cho ngân sách cấp huyện. Chính vì vậy, cần có sự tăng cường hỗ trợ từ phía tỉnh để hỗ trợ cấp huyện thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, cần giám sát việc xác định đối tượng và việc chi trả cho các đối tượng lao động tự do, nhằm đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Nghị quyết, tránh việc lợi dụng, trục lợi chính sách.

Việc xác định các đối tượng lao động tự do và các đối tượng khác mang tính chất đặc thù của địa phương đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đối với các đối tượng lao động yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh, rất được sự đồng tình ủng hộ của người dân, thể hiện tính nhân văn cao cả, góp phần động viên, hỗ trợ cho các đối tượng này trong thời gian khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nghị quyết ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của quần chúng nhân dân dân lao động, đã bảo đảm công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người nghèo, người khuyết tật, người yếu thế, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, đảm bảo thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính Phủ.

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.412.999
Truy cập hiện tại 342