Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Lơ là phòng dịch, bệnh lở mồm long móng tái phát ở Quảng Bình
Ngày cập nhật 26/11/2019

 

 

Thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) bùng phát tại tỉnh Quảng Bình. Như vậy, người chăn nuôi một lúc đối mặt với dịch tả lợn châu Phi và bệnh LMLM cho nên gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh LMLM bùng phát là do chính quyền địa phương và người chăn nuôi chưa coi trọng việc tiêm vắc-xin, tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.

 

 

 

Lơ là phòng dịch, bệnh lở mồm long móng tái phát ở Quảng Bình

Cán bộ thú y cơ sở ở huyện Lệ Thủy phun hóa chất khử trùng chuồng, trại chăn nuôi.

Từ giữa tháng 10 vừa qua, trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa xuất hiện dịch LMLM trên trâu, bò. Người dân có tâm lý chủ quan, dù trâu, bò bị bệnh nhưng không thông báo với chính quyền địa phương mà tự ý điều trị nhưng không hiệu quả. Đến ngày 19-11, toàn huyện có 279 con trâu, bò của 90 hộ dân ở các xã Hồng Hóa, Hóa Thanh và Hóa Tiến bị mắc bệnh LMLM. Trong đó, xã Hóa Tiến là địa phương có nhiều trâu, bò mắc bệnh LMLM nhất, với 138 con. Chủ tịch UBND xã Hóa Tiến Cao Thị Tiến cho biết, người dân địa phương thường thả trâu, bò cả ngày ngoài bờ bãi, bìa rừng, chiều tối mới đi tìm về, thậm chí có những người còn thả rông dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Khi thấy trâu, bò bị bệnh LMLM, bà con hay dùng khế hoặc chanh để xát vào kẽ chân hoặc khóe miệng. Thực tế những con bị bệnh ở thể nhẹ có thể lành sau ít ngày điều trị theo cách này, song cũng có nhiều con không khỏi hẳn mà còn lây lan ra cả đàn, cả xã. Vì vậy, xã thường xuyên yêu cầu người dân tiêm vắc-xin và vệ sinh chuồng trại để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa Đinh Gia Tuyết, Phòng đã cử cán bộ cùng nhân viên thú y các xã hướng dẫn các hộ gia đình mua vắc-xin về tiêm, dùng vôi bột rắc vào chuồng trại và các trục đường giao thông để khoanh vùng dịch; đồng thời tách những con trâu, bò bị bệnh nuôi nhốt riêng để tránh lây lan dịch bệnh. Hiện, trong 279 con gia súc bị mắc bệnh LMLM có gần 100 con khỏi bệnh và chưa ghi nhận con trâu, bò nào chết và bị tiêu hủy.

Cũng vào thời gian này, tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, người dân thông báo đến chính quyền về hiện tượng trâu, bò có triệu chứng sốt, viêm loét kẽ móng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lệ Thủy và UBND xã Sơn Thủy tiến hành kiểm tra và kết luận trâu, bò bị bệnh LMLM. Đến giữa tháng 11, xã Sơn Thủy có hơn 100 con trâu, bò bị bệnh, trong đó bảy con chết. Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, khống chế không để bệnh lây lan.

Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình Trần Công Tám, bệnh LMLM xảy ra hầu hết tại các ổ dịch cũ, chủ yếu trên đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng vắc-xin LMLM. Công tác vệ sinh, tiêu độc chuồng trại của các hộ chăn nuôi còn hạn chế. Trong khi đó, thời tiết đang chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và dễ lan rộng. Tại xã Sơn Thủy, Chi cục cử bốn cán bộ phối hợp với địa phương trực tiếp tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch. Hiện, các tổ nhân viên thú y tiêm phòng được 3.400 liều và tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc-xin cho trâu, bò tại các địa phương thuộc vùng uy hiếp như xã Phú Thủy, thị trấn Lệ Ninh.

Chi cục trưởng Trần Công Tám cho biết thêm, một số địa phương khác trong tỉnh cũng đã xuất hiện dịch LMLM trên đàn trâu, bò. Tuy nhiên, dịch đang ở mức độ nhỏ lẻ cho nên người chăn nuôi tự mua vắc-xin về tiêm hoặc chữa trị bằng biện pháp xát khế chua vào vết lở hoặc nấu các loại lá chát như sung, khế… rửa vết thương ở chân cho đàn gia súc. Nếu các địa phương thực hiện tiêm phòng vắc-xin LMLM chậm và tỷ lệ thấp thì dịch sẽ có nguy cơ bùng phát rộng và phức tạp hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh LMLM là do chính quyền địa phương và người chăn nuôi chưa coi trọng việc tiêm vắc-xin, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Mục tiêu của tiêm phòng vắc-xin LMLM là tạo cơ chế miễn dịch bảo hộ cho đàn gia súc, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, góp phần bảo vệ đàn gia súc hiện có, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe con người.

Mỗi năm, tỉnh Quảng Bình tổ chức hai đợt tiêm phòng vắc-xin LMLM với khoảng 200.000 liều. Đợt một năm nay triển khai trong quý I, số lượng trâu, bò tiêm phòng của Quảng Bình chỉ đạt gần 62.000 con/93.600 con (66%). Bên cạnh một số địa phương thực hiện hoàn thành như Lệ Thủy, Đồng Hới, Minh Hóa thì có những địa phương tỷ lệ tiêm thấp như Tuyên Hóa (68%), Quảng Trạch (7,2%), thậm chí có địa phương triển khai cho có như thị xã Ba Đồn. Việc tiêm phòng đợt hai thực hiện trong tháng 9, toàn tỉnh mới thực hiện được hơn 27.000 con trâu, bò (đạt 30% kế hoạch). Ngay như tại nơi đang có dịch LMLM là huyện Lệ Thủy, mới chỉ tiêm được 3.400 con/14.000 con trâu, bò theo kế hoạch. Khi dịch bệnh xảy ra tại xã Sơn Thủy, các địa phương khác mới quyết liệt tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu, bò của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều huyện khá “đủng đỉnh” trong việc thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc, dù cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc thực hiện tiêm phòng vắc- xin LMLM tại các địa phương ở Quảng Bình đạt thấp trong đó có nguyên nhân là do trạm thú y cấp huyện trước đây nay đã sáp nhập với các đơn vị như trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trong khi đó, nhiệm vụ, công việc chuyên môn chưa được phân định rạch ròi dẫn đến hoạt động chưa thật sự có hiệu quả. Mặt khác, việc tiếp nhận và thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng không còn hiệu quả cao và kịp thời như trước. Vả lại, chính quyền các địa phương gần như giao khoán việc thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin nói chung cho đàn gia súc, gia cầm cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cho nên thiếu đi sự kiểm tra, phối hợp cụ thể.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở cơ sở, bên cạnh các biện pháp chuyên môn theo quy định, UBND tỉnh Quảng Bình cần có đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Như vậy sẽ tránh sự chồng chéo hoặc thiếu cụ thể dẫn đến hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

 

nguồn: https://nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.538.287
Truy cập hiện tại 1.343