Tìm kiếm tin tức
TỔNG QUAN ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI
Ngày cập nhật 21/09/2020

I. TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Thượng Quảng là một trong 10 xã, thị trấn của huyện Nam Đông, nằm cách trung tâm huyện lỵ khoảng 16 km về phía tây; phía Đông giáp xã Thượng Long, Phía Tây giáp huyện A Lưới, Phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam, Phía Bắc giáp xã Hương Sơn và Thị xã Hương Thủy. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 155,22 km2, với dân số khoảng 2.141 người (năm 2019), chia làm 7 thôn: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7.

Thượng Quảng có vị trí địa lý quan trọng, không chỉ đối với huyện Nam Đông mà còn đối với cả miền tây tỉnh Thừa Thiên Huế vì có tỉnh lộ 14B chạy qua, lại là xã cuối của huyện Nam Đông, tiếp giáp với địa bàn các huyện A Lưới, Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) và tỉnh Quảng Nam, là cửa ngõ để đi vào các vùng đất đó.

Xã Thượng Quảng mang đặc điểm địa hình vùng Nam Đông, thuộc khu vực địa hình núi trung bình của tỉnh Thừa Thiên Huế (bao gồm vùng núi Tây A Lưới, động Ngại, Đông A Lưới - Nam Đông và Bạch Mã - Hải Vân). Địa hình xã bao gồm 3 phức hệ chủ yếu là phức hệ núi, phức hệ đồi và phức hệ thung lũng, trong đó địa hình núi đồi chiếm phần lớn diện tích; địa hình lòng sông và bãi bồi có diện tích thấp. Trên cơ sở tuổi và nguồn gốc, địa hình ở đây được phân chia thành hai kiểu là địa hình bóc mòn và địa hình tích tụ. Địa hình có độ dốc cao, mưa lớn hàng năm đã gây tình trạng xói lở, bào mòn và rửa trôi đất đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và trồng rừng của xã.

Phần lớn thổ nhưỡng của xã được hình thành trên đá Macma axit, đá Granite, đá phiến sa thạch, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, cấu tạo rời, đá lộ đầu nhiều. Với đặc thù có nhiều núi, đồi với độ dốc cao nên ở một số thung lũng có lượng đất phù sa pha cát, đá (đất hỗn hợp) rất lớn. Đây là loại đất được bồi tụ từ những đợt mưa lũ hàng năm. Loại đất này phần lớn chưa phân hóa. Đất phù sa sông suối có diện tích ít, tập trung ở địa hình tương đối bằng phẳng và một số cánh đồng của xã, được khai thác sản xuất nông nghiệp.

Nhìn chung, địa hình xã Thượng Quảng chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt mạnh và các thung lũng xen giữa các đồi núi có độ dốc tương đối lớn, không đồng nhất giữa các khu vực trong xã với nhau. Đặc điểm thổ nhưỡng xã có nhiều tiềm năng phát triển cây trồng nông nghiệp, thích hợp cho phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây công nghiệp lâu năm.

Địa bàn xã Thượng Quảng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chế độ nhiệt độ trung bình năm là 20-240C, nhiệt độ biến đổi theo mùa. Là vùng nằm trong khu vực chuyển tiếp của khí hậu Đông và Tây Trường Sơn nên mùa mưa ở đây thường đến sớm và kết thúc muộn. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau. Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên mưa nhiều, số ngày mưa trong năm lớn, với lượng mưa trung bình năm là 359,1 mm, nhiệt độ trung bình các tháng mùa mưa từ 20-220C, có khi xuống đến 120C, độ ẩm 87% và chỉ số ẩm ướt trung bình là 3,65 nên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình các tháng mùa khô là 35-370C, có khi lên đến 400C, đồng thời chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên càng khắc nghiệt.

Do nhận được lượng mưa lớn và độ che phủ của thảm thực vật khá lớn nên mạng lưới sông ngòi ở đây tương đối dày đặc, có hệ số dòng chảy vừa phải nên phục vụ rất đắc lực cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, vùng Thượng Quảng hằng năm ngoài những thiệt hại không đáng kể do lốc và mưa đá, còn có những thiệt hại lớn về kinh tế do các đợt mưa lũ gây ra. Do độ dốc của địa hình, lòng sông lớn làm cho khả năng tập trung nước, truyền lũ về hạ lưu nhanh nên lũ thường xuất hiện bất ngờ rất nguy hiểm cho tính mạng con người, gia súc, hoa màu và nhà cửa.

Trong mùa khô, các sông suối trên địa bàn xã thường xuất hiện lượng dòng chảy nhỏ nhất là ở các tháng 2, 3, 4 hoặc 3, 4, 5 đã để lộ những bãi cát rộng và trải dài. Tuy nhiên, các vực sâu vẫn là nguồn trữ lượng nước khá lớn cho nhu cầu sinh hoạt của người dân trong vùng.

Độ dài của ngày ở đây từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn kéo dài khoảng từ 11-12 giờ/ngày. Đó là những điều kiện tạo ra sự đồng đều giữa các tháng về năng lượng bức xạ mặt trời đến mặt đất và cung cấp một nguồn năng lượng lớn cho sự sinh trưởng của thực vật cũng như mọi sinh hoạt khác trên mảnh đất Thượng Quảng.

Nhìn chung, tài nguyên thiên nhiên của xã Thượng Quảng không nhiều và nhiều trường hợp ở dạng tiềm năng. Tài nguyên khoáng sản tuy chưa có những phát hiện mới do không có những điều kiện khảo sát nhiều, nhưng trữ lượng cát lớn ở ven sông, suối cho thấy khả năng có trữ lượng titan, cao lanh là rất lớn hoặc với các nhóm đất có trên địa bàn là điều kiện thuận lợi để phục vụ nhu cầu về vật liệu xây dựng cho người dân. Nguồn tài nguyên chính ở đây là đất đai và rừng. Trên địa bàn xã Thượng Quảng hiện nay, đất nông nghiệp có diện tích lớn nhất 15.322,49 ha; đất lâm nghiệp 14.582,69 ha (số liệu do Xã cung cấp tháng năm 2019). Đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu dùng để trồng lúa, hoa màu và một số loại cây công nghiệp ngắn ngày; đất lâm nghiệp chủ yếu dùng để trồng rừng. Rừng ở đây có diện tích lớn, gồm rừng phòng hộ (4.439,0 ha), rừng đặc dụng (4.990,0 ha), rừng sản xuất (5.105,9 ha). Đáng chú, rừng trồng kinh tế được nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc; rừng tự nhiên giao cho công đồng, nhóm hộ bảo vệ, hưởng lợi được quản lý tốt với diện tích 230,4 ha, xã quản lý 169,8 ha. Diện tích trồng rừng cuối năm 2019 ước đạt 683 ha, bình quân mỗi hộ có 1,1 ha. Giá trị thu nhập rừng kinh tế đạt bình quân 40 triệu đồng/ha/một chu kỳ.

Về động, thực vật, trước đây, khi các cánh rừng trên địa bàn xã chưa bị tàn phá, nguồn gỗ quý rất phong phú như: gõ, lim, sến, kiền kiền, trầm hương, mây... Cùng với đó là các loài động vật cũng rất đa dạng với các chủng loài khác nhau như: sao la, gấu, hổ, chim công, chim trĩ, gà lôi lam, sơn dương, khỉ, lợn rừng, tê tê, rắn… Do nạn khai thác bừa bãi, tận diệt nên các loài động, thực vật quý hiếm giờ đây đã suy giảm mạnh về số lượng, có nhiều loài đã tuyệt chủng. Điều đáng chú ý là ở Thượng Quảng hiện nay vẫn còn khu bảo tồn thiên nhiên Sao La - một trong những động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ của Việt Nam.

Về hệ thống cơ sở hạ tầng, hiện nay trên địa bàn xã Thượng Quảng một số tuyến đường giao thông liên thôn đã được bê tông hóa, nhiều đoạn đường được đắp đất đá cấp phối. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho địa phương và đồng bào trong đi lại cũng như phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. Đến năm 2020, hệ thống kênh mương ở các thôn trên địa bàn toàn xã đã được kiên cố hóa; bê tông 10.245 m, xây 2.970 m, ống 378 m, đất 420 m, tổng chiều dài các tuyến kênh mương là 14.313 m. Đến năm 2020, toàn xã đã có lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và 100% tỷ lệ hộ dân trên địa bàn sử dụng điện; mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh, hệ thống cáp quang được mở rộng các thôn, 100% cơ quan trên địa bàn kết nối mạng internet và có 103/558 hộ gia đình kết nối mạng internet, chiếm tỷ lệ 18,5%. Trong 5 năm (2015-2020) đã đầu tư 14,7 tỷ đồng đường dân sinh, đường sản xuất; 1,94 tỷ đồng hệ thống kênh mương thủy lợi; 6,85 tỷ đồng cơ sở vật chất y tế, giáo dục

Về giáo dục, đến năm 2020, xã Thượng Quảng có 01 trường mầm non, 01 trường Tiểu học đều đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Xã cũng đã có Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia, điểm Bưu điện Văn hóa, đài truyền thanh, sân thể thao, vui chơi giải trí, 03 cửa hàng tiện lợi, tất cả các thôn đã có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đa số hộ đã có nhà ở kiên cố, các hộ nghèo của xã (24 hộ, chiếm 4,32% năm 2019) không còn nhà tạm. Hệ thống cầu, cống được xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của xã.

2. TÌNH HÌNH DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH THAY ĐỔI ĐỊA DANH, ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

2.1. Dân cư

Xã Thượng Quảng hiện nay thuộc khu vực II, dân số đến thời điểm năm 2019 là 558 hộ với 2.141 khẩu. Xã hiện có 02 dân tộc đang sinh sống là Cơ tu và Kinh, trong đó, cư dân sinh sống lâu đời và chiếm số lượng đông hơn là đồng bào Cơ Tu (khoảng 58% dân số toàn Xã). Sau ngày quê hương giải phóng, đặc biệt kể từ năm 1976, thực hiện chủ trương phân bố lại dân cư, một bộ phận người Kinh đã đến vùng đất này sinh sống, tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế mới. Bộ phận dân cư này chủ yếu đến từ huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Hiện tại, bộ phận người Kinh ở xã Thượng Quảng chủ yếu làm nông nghiệp, kinh doanh, buôn bán nhỏ, dịch vụ, công chức... Khi đến vùng đất mới Thượng Quảng, họ vẫn tiếp tục duy trì những phong tục, tập quán truyền thống của mình ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, do cư trú ở miền núi, sự thay đổi về hoạt động kinh tế nên văn hóa truyền thống của người Kinh ở đây không đậm nét như ở đồng bằng, nhiều thiết chế, sinh hoạt văn hóa không còn được duy trì như đình làng, nhà thờ họ, quan hệ hàng xóm láng giềng, tính cộng đồng không được gắn kết chặt chẽ như ở đồng bằng, mặc dù vậy, một số tín ngưỡng truyền thống vẫn còn duy trì như thờ cúng tổ tiên, ông Công, ông Táo, thần tài…

Nhìn chung, dân số trong xã phân bố không đều, phần lớn tập trung ở quanh khu vực trung tâm xã, còn lại dân cư sống phân tán theo địa hình để thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân hàng năm 2,0%. Nhìn chung, lực lượng lao động khá cao, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm 47%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 36,5 triệu đồng.

2.2. Quá trình thay đổi địa danh, địa giới hành chính

Trước năm 1945, vùng đất Thượng Quảng đã có người ở nhưng rất thưa thớt, phần lớn diện tích là rừng rậm, nhiều thú dữ, đồng bào dân tộc sống rải rác trong các làng, bản như: Ruôi Ruôi, La Hố, Mụ Nằm, A Xiêm, A rẻ...

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã thành lập ở các bản làng miền núi của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Từ tháng 1-1946, do yêu cầu phát triển của cách mạng, Huyện ủy Phú Lộc quyết định thành lập đơn vị hành chính và chính quyền cách mạng ở vùng Khe Tre, lấy tên là xã Đại Hóa bao gồm các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số do ông Xã Rai làm Chủ tịch. Huyện Hương Trà chuyển 6 Tổng thành 20 xã, trong đó, có xã Hương Tả gồm một số làng ở Nam Đông. Trong giai đoạn này, địa bàn Thượng Quảng ngày nay thuộc xã Đại hóa, huyện Phú Lộc. Đầu năm 1947, Tỉnh ủy chủ trương sáp nhập xã Hương Tả vào huyện Phú Lộc. Từ đó, Phú Lộc gồm 16 xã, trong đó, miền núi có 2 xã là Đại Hóa và Hương Tả.

Ngày 22/5/1950, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 80-SL về việc chấn chỉnh bộ máy hành chính địa phương, tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã trên toàn quốc. Sau bầu cử, hai xã Đại Hóa và Hương Tả được sáp nhập, đổi tên thành xã Xuân Lộc.

Sau hiệp định Genève năm 1954, vùng Nam Đông ngày nay nằm trong khu dinh điền của Ngô Đình Cẩn, vùng A Lưới cùng vùng Ba Lòng (Quảng Trị) tạm thời bị quản lý bởi lực lượng ly khai nhà đương cục Sài Gòn lúc bấy giờ, gọi là Nha Thượng Du.

  Ngày 17/5/1958, Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Sài Gòn dưới thời Ngô Đình Diệm ra Nghị định cải biến thành quận hành chính, đặt thêm một số quận mới của tỉnh Thừa Thiên: Nha Thượng Du đổi thành quận Thượng Du, sau đổi lại thành quận Nam Hòa, quận lỵ Thượng Điền. Lúc này đây, vùng đất Thượng Quảng ngày nay thuộc tổng Nguồn Tả, quận Nam Hòa gồm các xã: Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quang. Ngày 31/7/1958, chính quyền Sài Gòn lập cơ sở Phái viên Hành chính Nam Đông thuộc quận Nam Hòa, 3 tổng, 12 xã.

Về phía chính quyền cách mạng, năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Để thuận lợi cho công tác lãnh đạo cách mạng ở miền núi, thiết lập căn cứ cách mạng, làm bàn đạp tiến công giải phóng nông thôn và thành thị, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính ở miền núi. Toàn miền được chia thành ba vùng, tương đương với ba đơn vị hành chính: vùng A, vùng B, vùng C.

Tháng 02/1963, huyện miền núi A Lưới và một phần đất của huyện Nam Đông (Nam Hòa) thuộc vùng giải phóng chiến khu cách mạng và được đổi vùng thành quận: Vùng A thành Quận 1, vùng B thành Quận 3 và vùng C thành Quận 4. Quận 4 có địa giới hành chính kéo dài từ khe Prêc (nam Bốt Đỏ), theo dãy núi A So về phía Nam đến đỉnh Atar1 giáp biên giới Việt - Lào, giáp huyện Hiên (Quảng Nam), quanh về sườn Tây dãy Bạch Mã, núi Truồi, đèo Ha Hy, giáp Dương Hòa (Hương Thủy), gồm 8 xã: Thượng Lộ, Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật (vùng núi huyện Phú Lộc), Hương Lâm, Hương Nguyên, Hương Sơn, Hương Hữu (vùng núi huyện Hương Trà). Sau Hiệp định Paris thì bỏ quận 4 chuyển thành quận 2 đều trực thuộc UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến ngày giải phóng tháng 3 năm 1975. Như vậy, lúc này, địa bàn xã Thượng Quảng thuộc Quận 2.

Tháng 3/1973, Thường vụ Tỉnh ủy họp, ra Nghị quyết về xây dựng căn địa miền núi. Lúc này, miền núi Thừa Thiên Huế có 3 quận (1, 2, 3), 27 xã, 138 thôn, dân số khoảng 150.000 người, với diện tích vùng giải phóng khoảng 4.000km2 (gần ¾ diện tích toàn tỉnh).

Năm 1975, đất nước thống nhất, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mở ra giai đoạn phát triển mới trên con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Trong tình hình khó khăn chung của đất nước sau ngày giải phóng, một trong những chủ trương được các địa phương nhanh chóng hiện thực là vận động nhân dân đi khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới. Ở Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy và UBND cách mạng đã thực hiên cuộc vận động đưa nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng miền núi trong tỉnh, nhằm bố trí lại địa bàn dân cư giữ vững an ninh quốc gia, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

Sau ngày giải phóng, Tỉnh Thừa Thiên có sự điều chỉnh đơn vị hành chính, thành lập hai huyện miền núi trên cơ sở quận 1, 2 và 3. Đến tháng 3/1976, huyện Nam Đông được thành lập bao gồm 6 xã của Quận 2 là Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu, Hương Sơn và 3 xã: Hương Lộc (do dân cư ở huyện Phú Lộc lên lập xã kinh tế mới thuộc địa giới của xã Thượng Lộ), Hương Phú (do dân cư ở huyện Phú Vang và huyện Hương Thủy lên lập xã kinh tế mới thuộc địa giới của xã Thượng Lộ), Hương Giang (do dân cư ở thành phố Huế lên lập xã kinh tế mới thuộc địa giới của xã Thượng Nhật và Hương Hữu). Hương Lâm và Hương Nguyên được nhập về huyện A Lưới[3]. Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 62-CP, hợp nhất huyện Phú Lộc, Nam Đông và các xã Vinh Xuân, Vinh Thanh, huyện Phú Vang thành huyện Phú Lộc, lúc này xã Thượng Quảng thuộc huyện Phú Lộc.

Từ tháng 7/1975, Thành ủy Huế triển khai đợt di dân đi phát triển kinh tế mới đầu tiên, lên vùng miền núi Nam Đông, A Lưới, vùng phía Tây - Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau một năm tiến hành, đến tháng 6/1976, về cơ bản đã hoàn thành việc bố trí lại dân cư trên 3 khu vực tập trung ở huyện Nam Đông: Khu vực trung tâm huyện lỵ Khe Tre; khu vực phía Tây; khu vực Nam Đông[4]. Thượng Quảng là một trong những xã thuộc khu vực phía Tây gồm các xã Thượng Long, Thượng Quảng (gồm cả khu kinh tế mới Ka Đe).

Thành phần dân cư của các xã kinh tế mới ở huyện Nam Đông như sau: Khu vực trung tâm huyện lỵ Khe Tre gồm 2 xã Thượng Lộ, Hương Sơn và xã kinh tế mới Hương Phú là dân cư từ Phú Vang, Hương Thủy lên; xã Hương Lộc là dân cư từ Phú Lộc lên; Khu vực phía Tây gồm các xã Thượng Long, Thượng Quảng (gồm cả khu kinh tế mới Ka Đe) là cư dân Phú Lộc lên. Xã kinh tế mới Hương Giang có thành phần dân cư từ thành phố Huế lên.

Sau ngày tỉnh Thừa Thiên Huế tái lập, việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện và thành phố Huế cho phù hợp với điều kiện mới cũng được tiến hành. Ngày 29/9/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 345-HĐBT, chia huyện Phú Lộc thành hai huyện là Phú Lộc và Nam Đông. Huyện Nam Đông gồm 9 xã như trước đây, trong đó có xã Thượng Quảng cho đến hiện nay.

Tình hình kinh tế - xã hội của xã kinh tế mới Thượng Quảng trong những ngày đầu mới thành lập gặp vô vàn khó khăn. Xã thành lập trên vùng đất miền núi Nam Đông, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, lại nằm xa trung tâm huyện lỵ, đường xá đi lại khó khăn, đời sống thiếu thốn trăm bề. Tình hình sản xuất đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, do lực lượng lao động chủ yếu có nguồn gốc thành phần dân cư đa dạng, xuất thân hầu hết ở huyện đồng bằng Phú Lộc, nên thiếu kinh nghiệm trong lao động sản xuất, đặc biệt là canh tác nương rẫy ở vùng núi đồi. Thứ hai, đội ngũ cán bộ non trẻ, thiếu kinh nghiệm trong quản lý, nôn nóng sớm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất đời sống nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Thứ ba, tuy là xã kinh tế mới ở huyện miền núi Nam Đông nhưng do huyện ủy Phú Lộc quản lý chỉ đạo, nên thiếu sự trực tiếp, những khó khăn không được giải quyết kịp thời, đặc biệt là thời kỳ đầu.

Những khó khăn này dần được khắc phục cùng với sự nỗ lực của nhân dân, sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể và sáng tạo của cấp ủy và chính quyền xã, từng bước đưa Thượng Quảng đi lên, trở thành một xã phát triển toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ của huyện Nam Đông mà cả tỉnh Bình Trị Thiên và Thừa Thiên Huế sau này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.394.089
Truy cập hiện tại 742